10:08, 12/08/2018

Khu công nghiệp Suối Dầu: Khó khăn trong việc mở rộng

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh chung, Khu công nghiệp Suối Dầu tiếp tục triển khai mở rộng phần diện tích còn lại. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, việc mở rộng vướng nhiều rào cản khiến tiến độ không được như mong muốn.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh chung, Khu công nghiệp (KCN) Suối Dầu tiếp tục triển khai mở rộng phần diện tích còn lại. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, việc mở rộng vướng nhiều rào cản khiến tiến độ không được như mong muốn.


Diện tích không đủ đáp ứng


KCN Suối Dầu được thành lập từ năm 1997, với diện tích 136,7ha. Đến nay, KCN đã xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và lấp đầy 88% diện tích. Hiện nay, KCN có 52 dự án đăng ký đầu tư và đã có 40 dự án đi vào hoạt động, gồm các ngành nghề: chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến đồ gỗ, nội thất xuất khẩu, dệt may, cơ khí... Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp đạt 189 triệu USD, tổng vốn thực hiện đạt 98 triệu USD, giải quyết việc làm cho 12.050 lao động.

 

Với vị trí, điều kiện thuận lợi, KCN Suối Dầu đang là điểm đến cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu, diện tích đất trống trong KCN chỉ còn 6ha. Toàn bộ diện tích này chủ yếu để dành cho các doanh nghiệp di dời từ TP. Nha Trang theo quyết định của UBND tỉnh và khả năng vẫn không đủ đáp ứng; bên cạnh đó, hiện nay, còn khá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư tại KCN. Do đó, để đáp ứng nhu cầu thực tế, KCN cần nhanh chóng mở rộng, tăng diện tích để có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

 

Một phần khu đất chuẩn bị để mở rộng.

Một phần khu đất chuẩn bị để mở rộng.

 

Vướng mắc trong đền bù


Để phục vụ nhu cầu mở rộng, Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu tính đến phương án sử dụng diện tích đất hơn 14ha ở cạnh KCN được UBND tỉnh giao từ năm 2001. Phần đất này có nguồn gốc thuộc Trại chăn nuôi Suối Dầu và một số hộ dân. Trước đây, khi được UBND tỉnh giao, Ban quản lý KCN đã tiến hành đền bù một phần, song vì nhiều yếu tố khác nhau nên diện tích đất này đã bị một số hộ tái chiếm. “Vấn đề này xảy ra từ khá lâu, Ban quản lý KCN cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần tìm hướng giải quyết, nhưng vì ngay từ đầu việc đo đạc, xác định ranh giới diện tích đất bị thu hồi còn nhiều bất cập nên cơ quan chức năng gặp không ít trở ngại. Tiếp đó, KCN được đưa từ huyện Diên Khánh về huyện Cam Lâm bởi lý do sáp nhập, tách huyện cũng ảnh hưởng đến việc giải quyết phần đất này”, một cán bộ chuyên trách của Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu cho hay.


2 năm gần đây, vì nhu cầu bức thiết, KCN buộc phải mở rộng nên Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu đã khởi động dự án. Tuy việc lập dự án đã hoàn tất, nhưng việc xác định nguồn gốc đất và giá đền bù đã khiến tiến độ bị ngưng trệ. Ông Trần Đình Tân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu cho biết, công ty rất mong cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ trong vấn đề này để việc mở rộng KCN có thể sớm được tiến hành.  


Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Cam Lâm, năm 2015, Hội đồng bồi thường của huyện đã tiến hành kiểm kê dự án này. Tuy nhiên, do vướng mắc nguồn gốc đất đai từ thời còn thuộc huyện Diên Khánh nên tiến độ bị chậm. Khu vực này có nguồn gốc thuộc Trại chăn nuôi Suối Dầu, khi bàn giao cho KCN thì chỉ bàn giao trên giấy tờ, còn KCN không quản lý hết thực địa để người dân lấn chiếm. Bây giờ, người dân đã xây dựng nhà cửa và trồng cây trên đất. Căn cứ vào hồ sơ, trong 14ha đã có 7ha được bồi thường và người dân đã nhận tiền, nhưng bồi thường cụ thể cho ai thì vẫn chưa thể hiện rõ. Trong khi đó, theo quy định, các hộ vẫn đủ điều kiện bồi thường.


Bà Lê Thị Thu Thùy - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cam Lâm cho biết: “Tuy ranh giới trên giấy tờ phần đất này thuộc KCN nhưng thực tế người dân vẫn đang canh tác. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi UBND huyện đề nghị xác định lại nguồn gốc đất. Huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc này, sau khi hoàn tất sẽ gửi Hội đồng định giá của tỉnh để xác định giá đất cho dự án”.  


Đình Lâm