09:08, 10/08/2018

Nghị định 87 về kinh doanh khí: Doanh nghiệp kêu khó

Dù được đánh giá là "cởi trói" cho doanh nghiệp, nhưng Nghị định 87 của Chính phủ về kinh doanh khí còn có một số quy định mà theo các doanh nghiệp là còn bất cập và khó thực hiện.

Dù được đánh giá là “cởi trói” cho doanh nghiệp (DN), nhưng Nghị định 87 của Chính phủ về kinh doanh khí còn có một số quy định mà theo các DN là còn bất cập và khó thực hiện.


Nhiều quy định “mở”


Nghị định 87 về kinh doanh khí được Chính phủ ban hành ngày 15-6-2018, có hiệu lực từ ngày 1-8-2018. Đây là nghị định mới thay thế cho Nghị định 19/2016 vốn có nhiều bất cập trong hoạt động kinh doanh khí. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thanh Hải cho biết, nhiều DN phấn khởi bởi Nghị định 87 ra đời đã tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh khí thời gian qua. Cụ thể, theo quy định cũ, mỗi tổng đại lý, thương nhân chỉ được kinh doanh 3 thương hiệu gas. Nếu DN thu hồi vỏ bình gas của thương hiệu khác ngoài 3 thương hiệu đã đăng ký thì bị xử phạt rất nặng (khoảng 20 triệu đồng/vỏ đối với hành vi chiếm dụng tài sản). Điều này không chỉ gây khó cho DN mà còn hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Nghị định 87 cho phép thương nhân có thể kinh doanh tất cả các thương hiệu gas, miễn là đủ năng lực và điều kiện. Quy định mới này đã tăng tính tự do kinh doanh của DN và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Ngoài ra, Nghị định 87 còn có nhiều đổi mới như: phân cấp thẩm quyền cho cơ quan địa phương trong việc cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí; các điều kiện và thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đã được cắt giảm và đơn giản hóa theo chủ trương của Chính phủ; bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí gắn liền với các cơ sở vật chất của thương nhân…

 

Kiểm tra các thông số trên vỏ bình gas tại Chi nhánh Công ty TNHH Gas Petrolimex Đà Nẵng tại Khánh Hòa.

Kiểm tra các thông số trên vỏ bình gas tại Chi nhánh Công ty TNHH Gas Petrolimex Đà Nẵng tại Khánh Hòa.

 

Còn nhiều bất cập


Tuy nhiên, Nghị định 87 vẫn còn một vài quy định bất cập, khó thực hiện. Trong đó, bất cập lớn nhất là việc quản lý bình gas (số seri bình, ngày đóng nạp, thời hạn kiểm định) từ trạm chiết nạp, tổng đại lý, đại lý đến tay người tiêu dùng. Các DN kinh doanh khí cho rằng, quy định này rất khó thực hiện và làm khó DN. Theo đại diện một trạm chiết nạp gas tại Nha Trang, trung bình trạm này sản xuất một ngày cả ngàn bình gas, nên việc ghi các thông số trên là việc làm thủ công rất tốn thời gian, chi phí nhân công của DN. Bà Hải cho biết, hiện nay, công ty bà có khoảng 1.000 vỏ bình gas. Trước đây, công ty chỉ cần xuất hóa đơn cho các đại lý khi đến lấy gas. Nhưng nếu thực hiện theo Nghị định 87, công ty phải có thêm người ngồi ghi lại số seri bình, ngày đóng nạp, thời hạn kiểm định khi xuất hàng cho các đại lý. Nếu nhanh thì cũng mất 3 - 5 phút mới ghi xong thông số của một bình gas. Hiện nay, công ty đã có 4 nhân viên làm việc gián tiếp liên quan đến các loại thủ tục, hóa đơn. Khi thực hiện Nghị định 87, số nhân viên của bộ phận này phải tăng gấp đôi nhưng chưa biết hiệu quả đến đâu. Đó là chưa kể, khi đã ghi số seri bình xuất ra nhưng thu về chưa chắc đã đủ số lượng, vì mỗi gia đình có thời gian sử dụng bình gas khác nhau, có hộ dùng 3 tháng nhưng cũng có trường hợp cả năm. Vì vậy, khi vỏ bình gas quay lại đại lý cũng không theo số seri ban đầu và nguy cơ thất thoát nếu hộ gia đình thay đổi mua gas của đại lý khác. Bên cạnh đó, Nghị định 87 còn yêu cầu, vỏ bình gas sản xuất sau năm 2014 phải có dấu hợp quy (CR). Nhưng đối với những bình trước năm 2014 vẫn đủ điều kiện lưu hành, còn hạn kiểm định thì nghị định này chưa hướng dẫn là cho lưu hành tiếp hay phải hủy bỏ. Nếu phải hủy bỏ thì gây ra lãng phí rất lớn cho DN.  

   
Ông Võ Hùng Nhân - Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Gas Petrolimex Đà Nẵng tại Khánh Hòa cho biết: “Đối với thương nhân kinh doanh khí dầu mỏ thì chỉ cần có hợp đồng thuê bồn, hoặc thuê vỏ bình là đủ điều kiện kinh doanh khí. Nhưng điều bất cập là ở chỗ nếu một thương nhân thuê vỏ bình đã in thương hiệu Petrolimex (hợp pháp) đi đến một trạm chiết nạp khác (được phép nhập khẩu khí, chiết nạp) để nạp khí. Lúc này, vỏ bình là Petrolimex nhưng khí gas ở trong là của một thương hiệu khác. Vậy bình gas này có còn hợp pháp hay không. Điều này dễ dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu rối loạn thị trường. Các cơ quan quản lý nhà nước liệu có kiểm soát được hay không?”.


Tại hội nghị phổ biến Nghị định 87 cho sở công thương, chi cục quản lý thị trường, DN sản xuất và kinh doanh khí của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên do Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) tổ chức vừa qua tại TP. Nha Trang, nhiều DN đã trao đổi về những băn khoăn, vướng mắc trên. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục. Do đó, các DN mong muốn trong thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này, Bộ Công Thương sẽ có những hướng dẫn cụ thể, gợi mở hơn.


MAI HOÀNG