11:04, 09/04/2018

Xã Vạn Phú: Liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản

Năm 2018, xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nhân rộng chương trình liên kết sản xuất, bao tiêu lúa giống sang các loại nông sản khác. Đây là kết quả từ việc liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.

 

Năm 2018, xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nhân rộng chương trình liên kết sản xuất, bao tiêu lúa giống sang các loại nông sản khác. Đây là kết quả từ việc liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.


Năm 2017, nông dân Vạn Phú rất phấn khởi khi chương trình sản xuất và bao tiêu lúa giống liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thu được nhiều thắng lợi.

 

Ông Trần Văn Cận, thôn Phú Cang 1 cho biết, được Hội Nông dân (HND), Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Vạn Phú 1 tuyên truyền, vận động, thấy được lợi ích của việc liên kết, ông đồng ý đưa 0,5ha lúa nước của mình vào làm giống. Quá trình trồng khảo nghiệm, lúa phát triển tốt, không sâu bệnh, cho năng suất cao, bình quân 6 tấn/ha, cao hơn so với ruộng ngoài chương trình. “Yêu cầu làm lúa giống khá nghiêm ngặt. Đây là lần đầu tôi làm quen với cách sản xuất giống. Trong quá trình canh tác, nông dân phải học cách khử lẫn, đặc biệt là khâu làm đất, diệt cỏ phải sạch, không để tàn dư lúa chết mùa trước tồn tại làm ảnh hưởng đến độ thuần của giống. Thu hoạch cũng vậy, lúa sát bìa ruộng viện không lấy để đảm bảo tính thuần chủng”, ông Cận nói. Sau khi thu hoạch, giá thu mua của viện là 6.700 đồng/kg, cao hơn thị trường 1.000 - 1.200 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi. Với giá này, nông dân lãi bình quân 20 triệu đồng/ha.

 

Ông Phạm Hoàng Danh - Giám đốc HTXNN Vạn Phú 1 cho hay, vụ mùa năm 2017, chương trình liên kết sản xuất và bao tiêu lúa giống được huyện Vạn Ninh chỉ đạo thí điểm tại xã Vạn Phú. Được HND xã, HTX vận động, người dân đồng tình tham gia, đưa ruộng của mình vào sản xuất. HTXNN Vạn Phú 1 có 29 hộ tham gia với diện tích 6,5ha tại khu vực Đội 1. HTX ký hợp đồng với viện, thống nhất giá cả, bù lỗ năng suất. Giống đưa vào sản xuất là ANS 1, một giống lúa có tiềm năng năng suất và chất lượng cao. Trong quá trình sản xuất, HTX triển khai làm đất đúng tiến độ, cấp giống đồng loạt, kiểm tra chân ruộng, mật độ gieo sạ, giám sát sâu bệnh, chỉ đạo công tác khử lẫn… Khi thu hoạch, cán bộ của viện bám đồng, phối hợp cùng HTX chỉ đạo kỹ thuật, thu mua lúa ướt.

 

Sản xuất lúa giống tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Phú 1.

Sản xuất lúa giống tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Phú 1.

 

 

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh: Đây là chương trình đem lại nhiều lợi ích cho nông dân, đặc biệt là làm quen với kỹ thuật cao trong sản xuất giống nguyên chủng, giống xác nhận. Viện đang làm việc với các xã để nắm lại diện tích, tình hình, sau đó sẽ làm việc với huyện để thống nhất, triển khai trên diện rộng.

Theo ông Đinh Văn Hiệp - Chủ tịch HND xã, ngoài diện tích HTXNN Vạn Phú 1 hợp tác với viện, HND còn vận động nhiều người dân khác tham gia. Toàn xã có 39 hộ tham gia với tổng diện tích 10ha. Thông qua việc liên kết tạo điều kiện cho nông dân học hỏi, tập dượt cách sản xuất có kỹ thuật phức tạp, khó hơn cách làm thông thường. Qua đó, giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất theo yêu cầu ngày càng cao của nông nghiệp hiện đại. Việc liên doanh liên kết sản xuất giống đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân, HND xã tiếp tục đề xuất chính quyền cho mở rộng diện tích liên kết, không chỉ dừng lại ở quy mô HTX mà nhân rộng ra địa bàn toàn xã. HND xã sẽ vận động nông dân tìm hiểu mô hình mới, hợp tác phát triển cùng có lợi, giải quyết đầu ra để tăng thu nhập.


Mới đây, UBND xã Vạn Phú đã làm việc với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, dự kiến trong năm 2018 sẽ mở rộng diện tích làm lúa giống ra 20ha. Không chỉ liên kết sản xuất và bao tiêu lúa giống mà còn tính đến các đối tượng khác như: đậu phụng, bắp - thế mạnh của nông nghiệp Vạn Phú. Viện sẽ hợp tác với nông dân triển khai mô hình trình diễn với 2 loại cây trồng này, mỗi loại 3ha, hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư, sẵn sàng bao tiêu sản phẩm từ mô hình trình diễn cũng như sản phẩm mà người dân chuyển đổi cây trồng tại địa phương.


VĨNH LẠC