10:03, 02/03/2016

Lại mất mùa vú sữa

Năm nay, vú sữa xã Diên Bình lại tiếp tục mất mùa do thời điểm cây ra hoa gặp mưa nhiều khiến bông rụng, giảm sản lượng. Tuy vậy, giá vú sữa vẫn không cao vì "đụng hàng" trái cây miền nam.

Năm nay, vú sữa xã Diên Bình lại tiếp tục mất mùa do thời điểm cây ra hoa gặp mưa nhiều khiến bông rụng, giảm sản lượng. Tuy vậy, giá vú sữa vẫn không cao vì “đụng hàng” trái cây miền nam.

 

Vú sữa mất mùa, số lượng thu mua chỉ bằng 2/3 năm ngoái
Vú sữa mất mùa, số lượng thu mua chỉ bằng 2/3 năm ngoái


Mất mùa


Sau Tết là thời điểm thu hoạch rộ vú sữa Diên Bình nhưng hiện nay, tình hình khá trầm lắng. Trên con đường đi vào thôn Nghiệp Thành - thôn nức tiếng với diện tích vú sữa lớn và ngon nhất xã, không thấy có điểm thu mua nào. Ông Phạm Xuân Nguyên (thôn Nghiệp Thành) cho biết: “Năm nay, vú sữa mất mùa nên sản lượng thấp. Nhà tôi có chục cây nhưng thu hoạch ước tính đến cuối mùa (khoảng tháng 2, 3 âm lịch) chỉ được 4 - 5 tạ, giảm hơn 30% so với năm trước. Năm ngoái cũng bị mất mùa nhưng năng suất cao hơn”. Theo ông Nguyên, thời gian gần đây, các nhà vườn có quan tâm tới các giải pháp kỹ thuật như: dọn cỏ, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, xịt thuốc giữ hoa, giữ trái song vẫn không tránh được việc mất mùa. Ông Bùi Hữu Lợi (thôn Lương Phước) cho biết, vú sữa năm nay mất mùa là do thời điểm cây ra hoa, tạo nụ gặp trời mưa nhiều làm bông khó đậu, rụng trái non khiến sản lượng giảm. Nhiều nhà vườn bị ngập úng cục bộ cũng ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng vú sữa. Từ đầu vụ đến nay, ông Lợi thu hoạch được 4 - 5 tạ quả, chỉ bằng 30% so với năm trước.


Điều đáng nói, tuy mất mùa nhưng giá vú sữa không tăng so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Nguyệt - thương lái gom hàng vú sữa tại Diên Bình cho biết, từ đầu vụ (tháng Chạp) đến nay, bà mới mua được 2 tấn, giảm 3 lần so với năm trước. Hiện nay, giá vú sữa trắng (vú sữa nếp) loại 1 (400g trở lên) mua tại vườn là 25.000 đồng/kg, hàng loại 2 giá 12.000 đồng/kg. Vú sữa tím loại 1: 18.000 đồng/kg, loại 2: 12.000 đồng/kg. “Sở dĩ giá vú sữa Diên Bình không cao là do bị trái cây các nơi khác cạnh tranh, thời gian này cũng là thời điểm các nhà vườn miền nam thu hoạch rộ trái cây”, bà Nguyệt lý giải.


Phát triển cây đặc sản


Vú sữa Diên Bình được biết tiếng từ lâu do đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước thích hợp. Ông Đinh Minh Trang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, Diên Bình có khoảng 30ha cây vú sữa, cả 3 thôn trong xã đều trồng được vú sữa nhưng Nghiệp Thành là thôn có diện tích vú sữa lớn nhất và cũng là nơi có thổ nhưỡng phù hợp với cây vú sữa nhất, cho sản phẩm ngon nhất. Nhiều người lý giải, đất Nghiệp Thành gần sông Suối Dầu, mỗi năm sau lụt, vườn tược tiếp nhận một lượng lớn phù sa do con sông này bồi đắp là điều kiện giúp trái cây ngon, có hương vị đặc trưng.


Được biết, huyện Diên Khánh đang xúc tiến các bước hướng tới xây dựng thương hiệu cho cây vú sữa Diên Bình mà tiền đề là triển khai đề tài thâm canh cây vú sữa Diên Bình, thực hiện từ năm 2013, hoàn thành năm 2015, kinh phí hơn 146 triệu đồng. Kết quả đề tài cho thấy, huyện đã xây dựng được quy trình kỹ thuật thâm canh cây vú sữa; tổ chức mô hình thâm canh cây vú sữa với quy mô 5ha, năng suất bình quân đạt 11,6 tấn/ha; tổ chức đào tạo 10 kỹ thuật viên người địa phương; tổ chức tập huấn, hội nghị đầu bờ cho 120 lượt hộ nông dân. Lợi nhuận từ trồng vú sữa thâm canh cao với hơn 175 triệu đồng/ha.


Theo ông Lê Tài - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, đề tài đã hoàn thành nhưng việc xây dựng thương hiệu cần có sự đồng thuận của người dân, nhất là đóng góp kinh phí để dán nhãn thương hiệu. Tuy nhiên, việc này người dân chưa mặn mà, trong khi sản lượng vú sữa hàng năm của Diên Bình còn ít, rất khó để xây dựng thương hiệu.


Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện Diên Khánh cho biết sẽ tiếp tục vận động người dân trồng và phát triển cây vú sữa theo hướng thâm canh, đến thời điểm thích hợp sẽ đề nghị xây dựng thương hiệu.  


V.L