06:09, 27/09/2009

Giảm mức tổn thất sau thu hoạch lúa gạo xuống 5 - 6% vào năm 2020

Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2020, giảm mức tổn thất đối với lúa gạo sau thu hoạch từ 11 - 13% xuống còn 5 - 6%, bắp từ 13 - 15% xuống còn 8 - 9%, rau quả từ 20% xuống dưới 10%...

 Thủ tướng Chính phủ vừa có Nghị quyết về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2020, giảm mức tổn thất đối với lúa gạo sau thu hoạch từ 11 - 13% xuống còn 5 - 6%, bắp từ 13 - 15% xuống còn 8 - 9%, rau quả từ 20% xuống dưới 10%; riêng cà phê, hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố aflatoxin A, đồng thời cải thiện giá bán cà phê nhân khoảng 10%. Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp như: tăng nhanh tỉ lệ cơ giới hóa, kết hợp với việc ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến; nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất các giống có năng suất, chất lượng và ít bị rơi rụng trong quá trình thu hoạch; xây dựng và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc gạo với tổng tích lượng 4 triệu tấn có công nghệ tiên tiến; xây dựng các ao nuôi trồng thủy sản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế các rủi ro do tác động của môi trường; hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất trong nước có tỉ lệ nội địa hóa trên 60%; miễn các loại thuế, lệ phí đối với các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch…

Được biết ở nước ta, tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch đối với lúa, bắp tập trung chủ yếu ở các khâu thu hoạch, phơi sấy bảo quản và xay xát, chế biến. Nguyên nhân của tình trạng trên là do sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ; việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa còn nhiều khó khăn; nhận thức của các cấp, ngành và người dân về tầm quan trọng của giảm tổn thất sau thu hoạch chưa cao; cơ chế, chính sách còn mang tính tình thế, thiếu đồng bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm đầu tư đúng mức…

NGỌC KHÁNH