09:04, 29/04/2009

Tìm “đầu ra” ổn định cho heo đen

Heo đen là vật nuôi truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi thả rông, heo đen thường bị chết do dịch bệnh hoặc tổn thương...

Từ chỗ chỉ nuôi thả rông, người dân Khánh Vĩnh đã được Dự án hỗ trợ làm chuồng để hạn chế dịch bệnh và tổn thương cho đàn heo đen.

Heo đen là vật nuôi truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi thả rông, heo đen thường bị chết do dịch bệnh hoặc tổn thương, làm hao hụt đáng kể lượng cá thể trong đàn. Là thực phẩm có giá trị nhưng thịt heo đen hiện chưa có thị trường ổn định. Những hạn chế này đang được các cán bộ Dự án Phát triển sức khỏe và đời sống do cộng đồng quản lý tại Khánh Vĩnh (Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tài trợ) cùng tháo gỡ với bà con nhằm phát triển quy mô đàn heo, đồng thời tìm “đầu ra” ổn định cho con heo đen của huyện.

° Thay đổi tập quán chăn nuôi

Dự án Phát triển sức khỏe và đời sống do cộng đồng quản lý tại Khánh Vĩnh gồm 2 hợp phần: Dự án cải thiện đời sống người nghèo do cộng đồng quản lý và Dự án phát triển sức khỏe do cộng đồng quản lý. Hỗ trợ người dân nuôi heo đen - vật nuôi truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Khánh Vĩnh, theo nhóm sở thích, là một trong những mô hình hoạt động của Dự án.

Mô hình nuôi heo đen được triển khai thí điểm từ cuối năm 2008 với 8 hộ dân. Trung bình, Dự án hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng để đầu tư con giống, thức ăn và 800 ngàn đồng làm chuồng trại. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho hộ chăn nuôi về xây dựng chuồng heo, cải tiến phương thức chế biến thức ăn truyền thống theo hướng sử dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương và bổ sung protein thích hợp với từng giai đoạn phát triển của heo đen, cách phòng bệnh cho vật nuôi… Dự án còn hỗ trợ vắc-xin và tập huấn cho cán bộ thú y tại địa phương.

Các hộ như: Đinh Riêng (Chà Liên, Liên Sang), Bi Năng Thị Điện, A Noa (Gia Lố, Giang Ly), Cao Liễn (Bầu Sang, Liên Sang) là những hộ tham gia vào mô hình nuôi heo đen từ đầu. Anh Đinh Riêng cho biết: Cũng như bà con xung quanh, trước đây, gia đình anh nuôi heo theo tập quán thả rông. Vào khoảng tháng 10, heo hay bị dịch chết. Được Dự án hỗ trợ 2,8 triệu đồng, vợ chồng anh Đinh Riêng và chị Cao Thị Thêm đầu tư 3 con giống và làm chuồng cẩn thận. Hiện nay, nhà anh nuôi được 3 con, trong đó, 1 heo nái đang có chửa. “Con heo nái này đang chửa lứa thứ ba. Lứa trước, nó đẻ được 2 con, 1 con chết bệnh, 1 con chết vì thả rông bị xe kẹp. Lứa này, nhà mình phải chăm sóc cẩn thận hơn” - chị Cao Thị Thêm vừa trò chuyện vừa cho con heo nái nắm rau rịa mới hái được trên rẫy.

Ngoài 800 ngàn đồng hỗ trợ từ Dự án, gia đình chị Bi Năng Thị Điện (thôn Gia Lố, Giang Ly) còn bỏ thêm 300 ngàn đồng để xây chuồng heo rộng rãi. Ngày trước, 8 con heo giống của nhà thả rông, nay được nuôi trong chuồng trại và tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ. Người dân vẫn sử dụng hỗn hợp thức ăn tự pha chế truyền thống và điều chỉnh thích hợp theo các giai đoạn phát triển, có bổ sung protein. Mỗi ngày, heo được ăn từ 2 - 3 lần chuối xắt trộn cám, lá môn, rau lang, củ mì, rau rịa… Thỉnh thoảng, heo được thả ra để tự kiếm thức ăn. Nhờ thế, chất lượng thịt heo vẫn đảm bảo.

Theo anh Võ Văn Huynh, cán bộ Dự án, kết quả lớn nhất mà mô hình đạt được là thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân. Từ 8 hộ ban đầu, đến nay, Khánh Vĩnh đã có 25 hộ tham gia nuôi heo đen; quy mô đàn heo tăng từ 30 lên hơn 100 con.

° Giúp dân tìm “đầu ra”

Thịt heo đen thơm ngon, giòn, ngọt đậm đà và ít mỡ, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, người dân địa phương chỉ bán cho thương lái hoặc thỉnh thoảng xẻ heo tại nhà rồi bán thịt cho hàng xóm láng giềng; hoặc đôi khi, một nhóm người mua lẻ 1 con rồi xẻ thịt liên hoan. Giá heo đen cũng vô chừng, mỗi hộ bán một giá. Một số hộ vẫn bán heo theo kiểu ước chừng trọng lượng. Vì thế, để giúp bà con phát triển đàn heo và tìm thị trường, cán bộ Dự án đã hướng dẫn hộ chăn nuôi đánh giá khả năng tăng trọng và xác định trọng lượng của heo, phương thức bán heo trên thị trường, đồng thời trợ giúp, hướng dẫn người dân trong việc bán sản phẩm, thương thảo về giá khi giao dịch với thương lái.

Mới đây, Dự án Phát triển sức khỏe và đời sống do cộng đồng quản lý tại Khánh Vĩnh đã tổ chức giới thiệu những món ăn được chế biến từ thịt heo đen với đại diện nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn ở TP. Nha Trang. Nhờ đó, những hộ dân như Đinh Riêng, Cao Liễn, Bi Năng Thị Điện, A Noa… mới có dịp tiếp cận và giới thiệu sản phẩm với các khách hàng tiềm năng. Các đầu bếp đã chế biến nhiều món ăn hấp dẫn từ thịt heo đen như: heo quay, nướng, xào sả, luộc, xáo măng… Hương vị thơm ngon, đậm đà của các món ăn đã thuyết phục được những thực khách khó tính nhất. Những người thực hiện dự án mong muốn hoạt động này sẽ phần nào giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại Khánh Vĩnh tìm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm thịt heo đen khi quy mô đàn heo ngày càng phát triển.

K.N