02:04, 28/04/2009

Tận dụng tối đa nguồn gỗ tạp

Mới đây, Công ty TNHH Phi Anh - PA Co.,LTD (phường Cam Phúc Nam - thị xã Cam Ranh) đã trình diễn mô hình kỹ thuật công nghệ ghép gỗ,

Dây chuyền ghép những thanh gỗ dọc.

Mới đây, Công ty TNHH Phi Anh - PA Co.,LTD (phường Cam Phúc Nam - thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đã trình diễn mô hình kỹ thuật công nghệ ghép gỗ, tạo ra sản phẩm mới. Ưu điểm của mô hình ghép gỗ này là tận dụng được tất cả các loại gỗ tạp (gỗ từ vườn nhà hoặc rừng trồng) để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu.

° TẬN DỤNG NGUYÊN LIỆU

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Cam Ranh có 12 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Sản phẩm của các DN này chủ yếu phục vụ những công trình xây dựng cơ bản. Nguồn gỗ được sử dụng là gỗ rừng tự nhiên hoặc rừng trồng từ nhóm 4 trở lên. Do đó, các đơn vị chế biến gỗ gặp nhiều khó khăn khi tìm nguyên liệu sản xuất.

Hơn 1 năm qua, nhờ sự tư vấn về đầu tư và kỹ thuật của các DN hàng đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ, Công ty Phi Anh đã áp dụng công nghệ ghép gỗ, tạo ra sản phẩm mới từ những loại gỗ tạp. Các sản phẩm “ra lò” đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người. Nếu như trước đây, người dân thường chặt bỏ các loại cây trồng già cỗi trong vườn như: xoài, điều, mít… để làm củi hoặc chở vào Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh để bán nguyên liệu thì bây giờ có thể an tâm cung cấp cho PA Co.,LTD. Để có thể tận dụng hết nguồn nguyên liệu có tại địa phương và vùng lân cận, PA Co.,LTD đã đầu tư hơn 9,7 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị hiện đại (trong đó, giá trị máy móc thiết bị gần 4,2 tỷ đồng). Hệ thống này giúp năng lực sản xuất của Công ty đạt bình quân 2.000m3 gỗ ghép/năm, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Nguồn nguyên liệu gỗ nhập về được đưa vào cưa xẻ, tẩm luộc, sấy, sau đó tạo ra gỗ phôi để thực hiện các công đoạn: thoa keo, ghép dọc, ghép ngang trên hệ thống máy ép…, từ đó tạo ra các sản phẩm chống được mối mọt, cứng chắc như gỗ tự nhiên để cung cấp cho thị trường. Hiện nay, Công ty đang kiên kết với một số đối tác tại Bình Dương để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu (chủ yếu là Hà Lan). Ông Đặng Như Lý - Giám đốc PA Co.,LTD cho biết: Việc sản xuất gỗ ghép tại địa phương sẽ giúp tận thu nguồn gỗ vườn, giảm bớt chi phí vận chuyển nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, đơn vị triển khai được công nghệ ghép gỗ về địa phương theo chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn. Hiện nay, các sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết. Đây là cơ sở để góp phần giải quyết lao động cho địa phương.

° HIỆU QUẢ XÃ HỘI

Hiện nay, Công ty giải quyết việc làm ổn định cho 150 lao động với mức lương bình quân 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị đang tiếp tục xây dựng mục tiêu tạo ra hơn 50 loại sản phẩm gỗ ghép cao cấp có giá trị kinh tế cao, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước; đồng thời mở rộng mạng lưới sản xuất, tiếp cận thị trường ra các tỉnh phía Bắc và các nước trong khu vực. Theo ông Lý, bên cạnh việc tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương để tiết kiệm chi phí sản xuất, đơn vị đã góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của thị xã Cam Ranh; đặc biệt là gián tiếp kích thích nông dân phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để phát triển kinh tế.

Bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cam Ranh nhận định: “PA Co.,LTD đã nghiên cứu và tìm hiểu về tiềm năng nguyên liệu giá rẻ sẵn có tại địa phương cũng như đánh giá được nhu cầu thị trường hiện nay. Chúng tôi đã đề nghị DN tiếp tục đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường với những sản phẩm gỗ ghép hoàn thiện, tập trung vào khai thác nguồn nguyên liệu của địa phương để phát triển sản xuất”.

Tuy tình hình suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn, nhưng sản phẩm từ nguồn gỗ tạp tại PA Co.,LTD vẫn phát triển ổn định. Đây là lợi thế và phương án mới để công nghiệp sản xuất gỗ tại Khánh Hòa hướng đến nâng cao chất lượng, tạo ra những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Hoàng Triều