02:04, 27/04/2009

Khánh Hòa dạy nghề gắn với hướng nghiệp

Với hơn 50 cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn có khả năng đáp ứng thường xuyên khoảng 60% nguồn nhân lực tại chỗ, Khánh Hòa là một trong những địa phương đã chủ động...

Công nhân Công ty may Komega-X thử việc tại nhà máy.

Với hơn 50 cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn có khả năng đáp ứng thường xuyên khoảng 60% nguồn nhân lực tại chỗ, Khánh Hòa là một trong những địa phương đã chủ động quy hoạch dạy nghề gắn với hướng nghiệp. Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh cho biết: “Từ nay đến năm 2015, Khánh Hòa cần khoảng 125.000 lao động đã qua đào tạo nghề, tập trung ở 5 nhóm ngành: kỹ thuật (cơ khí, xây dựng, lái xe, may mặc), du lịch - dịch vụ (nhà hàng, khách sạn), ứng dụng tin học trong quản lý, chế biến nông hải sản và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Tất cả các trường nghề đều phải tự cơ cấu và cơ cấu lại ngành nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”.

Đào tạo theo đơn đặt hàng

Theo số liệu của cơ quan quản lý lao động (LĐ) tại địa phương, toàn tỉnh hiện có gần 120.000 LĐ đang làm việc tại 4.126 doanh nghiệp (DN), tập trung chủ yếu ở 3 nhóm ngành: du lịch - dịch vụ (xấp xỉ 37%), nông - lâm - ngư nghiệp (gần 35%) và công nghiệp - xây dựng (gần 28,5%), trong đó tổng số LĐ đã qua đào tạo nghề chiếm khoảng 113.000 người. Quy mô đào tạo nghề tăng rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ LĐ phát triển tăng bình quân 120-200%/năm. Điều cần ghi nhận là, tuy số lượng LĐ đào tạo ngắn hạn vẫn chiếm đa số, nhưng trong khoảng thời gian này, tỷ lệ LĐ được đào tạo dài hạn tăng vọt so với LĐ đào tạo ngắn hạn. Tính đến đầu quý II/2009, số lượng LĐ nghề tốt nghiệp hệ cao đẳng (CĐ) tăng 210% so với năm 2008, hệ trung cấp nghề tăng 128% và LĐ phổ thông qua đào tạo ngắn hạn đã giảm khoảng 1%.

Chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề đã tạo điều kiện cho DN chủ động tiếp cận nguồn nhân lực. Năm 2002 trở về trước, khi xây dựng nhà máy, DN phải tự lo khâu tuyển dụng và đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, nhưng gần đây, hệ thống trường nghề trên địa bàn đã dần dần đáp ứng được chất lượng LĐ nhờ chuyển hướng đào tạo theo “đơn đặt hàng”. Toàn tỉnh hiện có 2 trường CĐ, 4 trường trung cấp, 10 trung tâm dạy nghề và 44 cơ sở đào tạo nghề dưới nhiều hình thức. Trên thực tế, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh đều ưu tiên tuyển dụng LĐ đã qua đào tạo và có kinh nghiệm chuyên môn kỹ thuật, theo đó các cơ sở dạy nghề tại địa phương đã trực tiếp đến cơ sở tìm hiểu nhu cầu và liên kết đào tạo hoặc đào tạo lại theo nhu cầu của DN. Ông Lê Ngọc Hộ - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề cho biết: “Mỗi năm, nhà trường tuyển dụng khoảng 2.000 chỉ tiêu. Do nhu cầu phát triển “nóng” của một số ngành như du lịch - dịch vụ, công nghiệp đóng tàu, may mặc… nên 100% sinh viên ra trường đều có việc làm, có thời điểm chúng tôi nhận “đơn đặt hàng” của DN trước kỳ tuyển sinh và tuyển sinh không đủ.”

Với thực lực hiện có, bình quân mỗi năm, có khoảng 2.000 LĐ đã qua đào tạo dài hạn và số LĐ được đào tạo nghề ngắn hạn sẽ tăng thêm 9.000-10.000 người; so với nhu cầu chỉ đáp ứng được 60% về số lượng, nhưng chưa thể đạt đến yêu cầu về chất lượng.

Bài toán nguồn nhân lực

Gần 50 cơ sở đào tạo nghề không phải là ít, nhưng vẫn còn yếu; bởi lẽ cơ sở vật chất của tất cả các trường nghề ở Khánh Hòa đều “có vấn đề”. Dạy nghề đòi hỏi thực hành nhiều hơn lý thuyết, nhưng các cơ sở đào tạo đều thiếu máy móc, nhà xưởng và phương tiện thực hành, thực tập. Đó là chưa kể giáo trình, tài liệu mà nhà trường giảng dạy rất lạc hậu so với công nghệ, thiết bị của DN. Mối liên kết giữa cơ sở đào tạo với các DN trên địa bàn hình thành chủ yếu theo “đơn đặt hàng”, vì vậy phía đào tạo chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu đa dạng về nhân lực của DN. Hơn nữa, cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng như công tác tư vấn tuyển sinh chưa sát với yêu cầu tuyển dụng của DN.

Năm 2009, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang thành lập Trường Trung cấp Nghề công nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong liên kết mở trường CĐ Kỹ thuật - Kinh tế. Sở LĐTB-XH tỉnh cũng đã triển khai đề án thành lập 3 trường trung cấp dạy nghề tại các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh; đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng nâng cấp Trường Kỹ thuật miền Trung tại Nha Trang với quy mô đào tạo 2.000 chỉ tiêu/năm và tiếp tục nâng cấp Trường CĐ Nghề Nha Trang lên 3.500 chỉ tiêu/năm.

Dù thế nào, bài toán nguồn nhân lực của Khánh Hòa cũng đòi hỏi phải kéo dài trong khoảng 1 thập niên tới với chi phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Những vấn đề quan ngại trước mắt cũng như lâu dài không hẳn là tiền và “đầu vào”. Sự thiếu hụt chưa được địa phương quan tâm đúng mức đó là đội ngũ giảng viên và giáo viên trợ giảng. Đây chính là điểm vừa thiếu, vừa yếu trong chiến lược phát triển đào tạo nghề của tỉnh.

BẢO CHÂN