09:03, 02/03/2009

Gian nan tìm hướng phát triển

Hơn 34 năm hoạt động, có một thời Hợp tác xã Thủy sản Thống Nhất (Nha Trang) hoạt động rất hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm xã viên, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm...

Hiện nay, ngoài đánh bắt hải sản, nguồn thu chủ yếu của HTX Thủy sản Thống Nhất là dịch vụ kéo đẩy tàu.

Hơn 34 năm hoạt động, có một thời Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Thống Nhất (Nha Trang) hoạt động rất hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm xã viên, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm. Những năm gần đây, hoạt động sản xuất của HTX chủ yếu do xã viên nghèo góp sức, góp vốn nên không đủ sức để cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường. Kéo theo đó, nhiều lao động mất việc, HTX đang đứng trước nguy cơ bị giải thể.

HTX Thủy sản Thống Nhất được thành lập từ năm 1975, có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là khai thác thủy sản. Ngày đầu thành lập, do cơ sở vật chất nghèo nàn, với 15 tàu cá và ngư lưới cụ thô sơ, chủ yếu làm nghề đăng nên HTX làm ăn không mấy hiệu quả. Đến năm 1985, cùng với sự đổi mới, cơ chế thị trường mở cửa, HTX đã mở rộng thêm ngành nghề cơ khí tàu thuyền, đóng mới tàu cá và kinh doanh các mặt hàng hải sản. Thời gian này, với đội tàu 25 chiếc, trong đó có 4 đôi giã cào, 4 chiếc lưới chuồn, 2 chiếc vây rút chì… HTX là đơn vị có đội tàu lớn nhất so với các HTX thủy sản khác thời bấy giờ. Bên cạnh khai thác, đánh bắt thủy sản, HTX còn mở thêm 3 cửa hàng thương nghiệp, 1 cơ sở chế biến nước mắm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 240 xã viên. Có thể nói, đây là thời kỳ hoàng kim của HTX, bởi thu nhập của xã viên cao gấp đôi so với định suất Nhà nước đối với cán bộ xã, phường. Năm 1996, khi phong trào đóng tàu cá của ngư dân trong tỉnh nở rộ, ngư trường khai thác bắt đầu có sự cạnh tranh gay gắt, năng lực khai thác của HTX bắt đầu bộc lộ những yếu kém. Bên cạnh đó, do không được đầu tư cơ sở vật chất như trụ sở, kho lạnh, bể đựng nhiên liệu…; mua bán sản phẩm chủ yếu qua đầu nậu nên thường bị tư thương ép giá. Chính vì vậy, việc sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng thua lỗ; hầu hết tư liệu sản xuất như tàu thuyền, ngư cụ, phân xưởng lần lượt được bán đi theo những mùa vụ thất bát; xã viên dần rời bỏ HTX ra làm ăn riêng. Từ một đơn vị có gần 240 lao động, đến thời điểm này, HTX chỉ còn 15 người bám trụ, trong đó có 5 cán bộ quản lý, 10 xã viên.

Hiện nay, HTX Thủy sản Thống Nhất chỉ còn lại 3 chiếc tàu cá, trong đó 2 chiếc thủ công (không lắp máy) chuyên làm nghề đăng, 1 tàu công suất 40 CV thực hiện đánh bắt gần bờ. Ngoài 10 xã viên, HTX phải thuê thêm 30 lao động trực tiếp tham gia đánh bắt thủy sản trên biển nhưng thu nhập không đáng là bao. Năm 2008, ngoài khai thác và kéo đẩy tàu cá, HTX đã nhận được 17 hợp đồng đóng mới tàu cá, doanh thu đạt 9,7 tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng. Nhờ thế, HTX giảm bớt được một phần khó khăn, thu nhập của người lao động được cải thiện. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2009, tổng doanh thu của HTX chỉ đạt khoảng 100 triệu đồng. Mục tiêu đặt ra trong năm 2009, HTX phấn đấu nhận đóng mới 9 - 10 tàu cá, nhưng đến thời điểm này chưa có hợp đồng nào.

Ông Phan Thanh Hiền, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Hiện nay, không riêng gì HTX Thủy sản Thống Nhất, hầu hết các HTX thủy sản trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị phá sản. Bởi hầu hết các tổ hợp tác đều tổ chức sản xuất theo mô hình tập thể, trong đó xã viên đa số là hộ nghèo góp sức, góp vốn nên không đủ sức để cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Điều bức thiết nhất hiện nay là hầu hết các HTX thủy sản chưa có tổ chức tín dụng nào đứng ra cho vay vốn hỗ trợ sản xuất. Do không được cấp quyền sử dụng đất, chỉ được giao quyền quản lý nên HTX muốn tự chủ trong sản xuất, kinh doanh cũng đành bất lực vì không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Chính vì không đủ điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, không có vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh nên hoạt động của HTX đang gặp không ít khó khăn”.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể đối với ngành nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, HTX Thủy sản Thống Nhất cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như nguồn vốn, kỹ thuật đánh bắt, công nghệ chế biến… Muốn làm được điều này, ngoài các chương trình hỗ trợ từ phía Nhà nước, các ngân hàng cần xem xét, tạo điều kiện cho HTX vay vốn sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường. Có như thế, HTX mới đủ lực để hoạt động ổn định và tồn tại trong cơ chế thị trường.

ANH TUẤN