09:07, 12/07/2017

Dùng phân chuồng cải tạo đất bạc màu

Đề tài cấp cơ sở "Xây dựng mô hình ủ phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh" vừa được nghiệm thu. Đề tài này nhằm định hướng cho người dân làm quen với cách sử dụng phân chuồng cải tạo đất bạc màu.

Đề tài cấp cơ sở “Xây dựng mô hình ủ phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh” vừa được nghiệm thu. Đề tài này nhằm định hướng cho người dân làm quen với cách sử dụng phân chuồng cải tạo đất bạc màu.


Theo kỹ sư Nguyễn Thị Nha Trang - Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, chủ nhiệm đề tài, Cam Thịnh Tây có hơn 99% đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi trong xã có bước phát triển khá, đàn bò hơn 3.500 con, đàn dê hơn 1.500 con, lượng phân chuồng hàng năm từ 26.000 đến 29.000 tấn. Tuy nhiên, phần lớn lượng phân chuồng không được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Người dân thường thu gom bán cho thương lái với giá rẻ (50.000 đồng/tạ phân khô). Trong khi đó, đất đai bạc màu, nghèo dinh dưỡng, cây trồng năng suất thấp. Đây cũng là lý do xây dựng đề tài nhằm hướng cho người dân sử dụng phân chuồng một cách hiệu quả.

 

Thí nghiệm trên đồng ruộng

Thí nghiệm trên đồng ruộng


Ông Cao Minh Giao - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Tây cho biết, hiện nay, trình độ canh tác, hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số về sản xuất bền vững còn hạn chế nên công tác vận động người dân sử dụng nguồn phân chuồng sẵn có để bón cho cây trồng, cải tạo đất bạc màu gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn có một số hộ biết cách ủ phân, một số hộ không có nhu cầu do thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn không biết sử dụng phân chuồng bón cho cây trồng.


Đề tài do Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh phối hợp với UBND xã Cam Thịnh Tây thực hiện từ tháng 1-2016 đến 7-2017 với kinh phí 120 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học 95 triệu đồng. Đề tài gồm 4 nội dung chính: điều tra, khảo sát hiện trạng sử dụng phân chuồng trên địa bàn; xây dựng mô hình ủ phân phục vụ sản xuất nông nghiệp; thí nghiệm đồng ruộng đánh giá ảnh hưởng của phân hữu cơ vi sinh được sản xuất từ phân chuồng; tập huấn kỹ thuật ủ và sử dụng phân chuồng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong xã. Nhóm nghiên cứu đã điều tra 50 hộ chăn nuôi trên địa bàn về trữ lượng, kỹ thuật ủ phân, bổ sung chế phẩm khi ủ, khó khăn trong quá trình ủ…; xây dựng 4 mô hình ủ phân (1 tấn/mô hình); 4 mô hình trồng trọt, sử dụng phân chuồng đã ủ để đánh giá ảnh hưởng của phân hữu cơ vi sinh từ nguồn phân chuồng; đồng thời xây dựng tài liệu; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 50 người…


Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, mới đây, phòng phối hợp với Hội Nông dân thị xã nghiệm thu kết quả đề tài. Kết quả nghiệm thu cho thấy, các mô hình ứng dụng ủ phân có kết hợp sử dụng chế phẩm Trichoderma cho kết quả tốt, giống bắp 888 xanh tốt, trái lớn, tỷ lệ cây 2 trái nhiều. Mô hình sử dụng phân chuồng không sử dụng chế phẩm cây vẫn tốt song trái nhỏ hơn, tỷ lệ cây 2 trái ít. Riêng mô hình không sử dụng phân chuồng cây còi cọc, chậm lớn, trái nhỏ... Kết quả đề tài sẽ được chuyển giao cho các đơn vị liên quan: UBND xã Cam Thịnh Tây, Hội Nông dân, Phòng Dân tộc thành phố, trang trại, hộ nông dân trên địa bàn. Thời gian tới, đề tài là cơ sở để UBND TP. Cam Ranh, Phòng Kinh tế Cam Ranh, UBND xã Cam Thịnh Tây lập kế hoạch chỉ đạo sản xuất, hình thành nhóm nghiên cứu về kỹ thuật ủ phân chuồng làm phân bón hữu cơ, kỹ thuật canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường… Đặc biệt, việc chuyển giao cho người dân địa phương kỹ thuật sử dụng nguồn phân chuồng có sẵn phục vụ cải tạo đất bạc màu, hoang hóa, đem lại hiệu quả kinh tế là mục tiêu lâu dài.


Theo ông Lê Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây, qua kiểm tra các mô hình cho thấy hiệu quả khá tốt, cây trồng phát triển, trái đạt năng suất cao, các điểm trình diễn đều đáp ứng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, do mô hình triển khai không phải mùa vụ chính (vụ bắp từ tháng 7 âm lịch hàng năm) nên chưa thể nhân rộng đại trà. Thời gian tới, xã sẽ tập trung vận động người dân ứng dụng mô hình, sử dụng phân chuồng bón cho cây trồng, trước tiên là cán bộ xã, thôn, nông dân sản xuất giỏi, hộ có điều kiện kinh tế, hộ quan tâm tới năng suất cây trồng áp dụng trước, làm tiền đề để nhân rộng mô hình ra toàn xã, từng bước hướng người dân làm quen với sản xuất nông nghiệp bền vững.


V.L