11:12, 02/12/2016

Đào tạo nhân lực du lịch: Chưa đáp ứng được yêu cầu

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đang là một thách thức đối với ngành Du lịch tỉnh. Bởi lẽ, nguồn cung từ các cơ sở đào tạo ở Khánh Hòa hiện vừa thiếu, vừa yếu.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đang là một thách thức đối với ngành Du lịch tỉnh. Bởi lẽ, nguồn cung từ các cơ sở đào tạo ở Khánh Hòa hiện vừa thiếu, vừa yếu.


Cung chưa đủ cầu


Vừa qua, tại Nha Trang, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo toàn quốc với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao - Thực trạng và giải pháp”. Qua hội thảo, bức tranh về công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Khánh Hòa phần nào được hé mở và để lại nhiều băn khoăn cho những người trong cuộc.

 

Lễ tân khách sạn Cicilia Nha Trang làm thủ tục cho du khách
Lễ tân khách sạn Cicilia Nha Trang làm thủ tục cho du khách


Theo số liệu của UBND tỉnh, ngành Du lịch tỉnh đang thu hút khoảng 15.300 lao động trực tiếp, trong đó lao động ở lĩnh vực lưu trú 13.000, lữ hành 2.300; số lao động gián tiếp khoảng 30.600 người. Dự kiến, đến năm 2020, số lượng lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 33.000 lao động. Tuy nhiên, so với quy mô, tiềm năng du lịch của địa phương, nguồn cung nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. “Theo dự báo, ngành Du lịch tỉnh cần một lượng lớn lao động trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, nếu so sánh với năng lực cung ứng của các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn thì rõ ràng chưa đáp ứng được về mặt số lượng chứ chưa nói đến chất lượng”, Thạc sĩ Nguyễn Thị An - Khoa Du lịch Trường Đại học Khánh Hòa cho biết.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trường đại học có khoa du lịch và 7 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm có đào tạo nghề du lịch. Mỗi năm, các cơ sở này đào tạo các lĩnh vực liên quan đến nghề du lịch cho khoảng 4.000 sinh viên, học viên. Trong đó có khoảng 220 sinh viên trình độ đại học, 1.200 sinh viên trình độ cao đẳng... Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 638 cơ sở lưu trú với 23.696 phòng, trong đó khách sạn từ 3 đến 5 sao là 85 cơ sở với 12.742 phòng. Mỗi năm, nhu cầu lao động của ngành Du lịch Khánh Hòa tăng thêm khoảng 10.600 lao động, trong đó có khoảng 3.600 lao động trực tiếp.


Theo thạc sĩ Đoàn Nguyễn Khánh Trân - giảng viên bộ môn Quản trị du lịch Trường Đại học Nha Trang, qua khảo sát 50 doanh nghiệp (DN) du lịch về mức độ đáp ứng nhu cầu của sinh viên du lịch Trường Đại học Nha Trang, kết quả có 17 DN cho rằng đáp ứng được, 22 DN đánh giá mức đáp ứng bình thường và 11 DN đánh giá chưa đáp ứng được. Điều này cho thấy mức độ đáp ứng nhu cầu xã hội của sinh viên du lịch Trường Đại học Nha Trang chỉ ở mức trung bình.


Đâu là giải pháp?


Để phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở Khánh Hòa, theo thạc sĩ Đoàn Mạnh Cương - Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh cần hoàn thiện và đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về phát triển đào tạo nhân lực du lịch; quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo, dạy nghề và cơ sở nghiên cứu về du lịch; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo của các trường, trung tâm. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa trong vấn đề đào tạo để thu hút nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân; thông qua hội nhập, hợp tác quốc tế để huy động thêm các nguồn tài trợ cả về vật chất lẫn kiến thức, kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực du lịch của các nước trên thế giới.


Cùng chung quan điểm trên, thạc sĩ Nguyễn Thị An cho rằng, muốn nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo; tăng cường đội ngũ giảng viên dạy nghề du lịch cả về số lượng lẫn chất lượng; tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong nước và thế giới.

 

Tại một cuộc họp về du lịch mới đây, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Hiện nay, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy có rất nhiều DN du lịch sau khi tiếp nhận sinh viên mới ra trường từ các cơ sở đào tạo ở Khánh Hòa đều phải đào tạo lại. Nguồn lao động chất lượng cao tại các cơ sở du lịch cao cấp trên địa bàn tỉnh đến từ các địa phương khác vẫn chiếm một số lượng lớn.

Trong vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, các DN du lịch đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, một số cơ sở đào tạo du lịch ở Khánh Hòa đã có sự hợp tác với các DN du lịch trong việc đào tạo theo đơn đặt hàng, hoặc hợp tác cho sinh viên đi thực tập. Tuy nhiên, mối quan hệ này còn mang tính hình thức hơn là thực chất. Thạc sĩ Lê Hoàng Thị Ngân Hà - giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa cho rằng, các DN cần phải xác định vai trò của mình đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực. Lâu nay các DN vẫn chưa cung cấp kế hoạch nhu cầu tuyển dụng  với cơ sở đào tạo; việc phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn còn hạn chế; vấn đề đánh giá sinh viên thực tập chưa thực sự khách quan. Trong khi đó, thạc sĩ Đoàn Nguyễn Khánh Trân mong muốn các DN tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập, làm việc bán thời gian tại DN mình; đồng thời trao đổi thẳng thắn mong muốn của mình để nhà trường có những định hướng phù hợp với thực tế.


Xem ra, câu chuyện về đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Được biết, theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), du lịch là 1 trong 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển giữa các nước. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch thì những người học nghề du lịch sẽ đối diện với nguy cơ bị cạnh tranh việc làm với nguồn lao động đến từ các nước trong khu vực.


NHÂN TÂM