06:05, 19/05/2015

Về thăm quê Bác

Những ngày tháng Năm, từ vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa, chúng tôi hành hương về quê Bác ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Nỗi niềm thành kính thiêng liêng của hàng triệu con tim hướng về kỷ niệm sinh nhật lần thứ 125 của Bác đã để lại những cảm xúc đặc biệt trong lòng mỗi chúng tôi.

Những ngày tháng Năm, từ vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa, chúng tôi hành hương về quê Bác ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Nỗi niềm thành kính thiêng liêng của hàng triệu con tim hướng về kỷ niệm sinh nhật lần thứ 125 của Bác đã để lại những cảm xúc đặc biệt trong lòng mỗi chúng tôi.


Tháng Năm, ánh nắng như vàng hơn, bầu trời cao xanh hơn. Trên những con đường dẫn đến quê ngoại, quê nội của Bác rợp mát bóng cây xà cừ, cánh đồng lúa ửng vàng chờ ngày thu hoạch, đặc biệt là những hồ sen rực hồng sắc hoa.

 

Du khách hành hương về quê Bác. (Nguồn: Đà Nẵng điện tử) 
Du khách hành hương về quê Bác (Nguồn: Đà Nẵng điện tử) 


“Kính thưa các bác, các anh chị, chúng ta đang có mặt tại làng Hoàng Trù hay còn gọi là làng Chùa. Đây là quê mẹ của Bác Hồ...” - lời cô hướng dẫn viên nói giọng Nghệ Tĩnh tha thiết dẫn dắt mọi người đến câu chuyện về ngôi nhà nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời. Làng Hoàng Trù cũng như bao làng quê thanh bình, yên ả khác ở vùng đất Trung bộ. Nơi đây lưu dấu những nét văn hóa đặc trưng của đồng quê xứ Nghệ với lũy tre xanh, những ngôi nhà nép mình bên hàng cau thẳng tắp, rặng chè tàu quanh co uốn lượn trên con đường làng...

 

Khu di tích Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ.
Khu di tích Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ


Ngôi nhà lá ba gian hiện ra trước mắt chúng tôi một cách đơn sơ, giản dị, nhưng đó là nơi ghi dấu sự ra đời của một bậc vĩ nhân, một danh nhân văn hóa thế giới. Chuyện kể rằng, ngày xưa, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng lại đặc biệt ham học nên được thầy giáo của mình là cụ Hoàng Đường hết mực yêu quý dạy bảo, rồi gả con gái cho, lại còn cắt đất để làm nên ngôi nhà ba gian này. Gian ngoài cùng được dùng để làm nơi cụ phó bảng học tập và nghỉ ngơi. Gian giữa có một chiếc giường gỗ xoan là nơi bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác đã sinh thành và nuôi dưỡng ba người con từ những bước đi đầu đời. Gian bên cạnh có một khung cửi để mẹ Bác hàng ngày dệt vải kiếm kế mưu sinh cho cả gia đình. Giọng cô hướng dẫn viên trở nên nghẹn ngào hơn khi giới thiệu với mọi người cái rương gỗ cũ kỹ được đặt trong buồng của mẹ Bác. Chuyện là, trong lần Bác về thăm quê lần thứ nhất vào năm 1957, khi nhìn thấy lại cái rương của mẹ ngày xưa, Bác đã rơm rớm nước mắt, không nói thành lời. Những cảm xúc thiêng liêng của tình mẫu tử trong câu chuyện khiến người nghe xúc động.

 

Ngôi nhà lá ba gian - nơi Người cất tiếng khóc chào đời.
Ngôi nhà lá ba gian - nơi Người cất tiếng khóc chào đời


Làng Sen - quê nội của Bác cách đó khoảng 2km. Đây là nơi đã in dấu những ngày tháng tuổi thơ của Bác. Ngôi nhà lá 5 gian được bà con trong làng cất lên vào năm 1901. Đây là minh chứng cho tình cảm của những người dân quê đối với cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Lúc này, mẹ Bác đã qua đời nên gian chính của căn nhà được cụ phó bảng dùng để thờ bà cũng như đọc sách, tiếp khách. Các gian khác dùng để nghỉ ngơi, nấu nướng và có riêng một gian nhỏ cho bà Thanh - người chị duy nhất của Bác. Du khách thập phương đến đây không khỏi xúc động khi nhìn thấy chiếc phản gỗ để Bác cùng cha và anh nằm ngủ, chiếc giường con xinh xắn của chị Bác, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ cùng những vật dụng đơn sơ khác...


Đến với quê nội Bác hôm nay, du khách không chỉ được gặp lại những di tích từng gắn với tuổi thơ của Người như: giếng Cốc, lò rèn cụ Cố Điền, mà còn thấy được 3 ngôi nhà láng giềng của gia đình Bác vừa được phục dựng. Cả 3 ngôi nhà đều được thiết kế cột kèo bằng gỗ kiểu tứ trụ, rui mè bằng tre, mái lợp lá mía, bao quanh nhà bằng phên nứa, vách gỗ hoặc đất. Các vật dụng như: bàn ghế, giường, bàn thờ... đều là của thời xưa. Ngoài ra, còn có cối giã gạo, cối kéo mật mía, khung cửi, cơi trầu, nậm rượu, lò rèn, cày, bừa, các vật dụng đánh cá... Sân vườn được trồng các loại cây gần gũi với đời sống người dân như: cau, chuối, khoai lang, dâu, khế, bưởi, ổi, trầu... Cách nhà Bác không xa là khu trưng bày và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác, mà còn thể hiện rõ nét tình cảm của đồng bào, đồng chí trong nước và bạn bè quốc tế đối với Bác. Nhà tưởng niệm Người là sự bổ sung cho cụm di tích và cũng là mảnh ghép hoàn thiện cho mô hình: Di tích - Bảo tàng - Tưởng niệm.  


Tháng Năm về quê Bác, mỗi người chúng tôi lắng lại trong không khí làng quê thanh bình, mộc mạc; văng vẳng đâu đó những câu hát ví, hát dặm đầm ấm, thấm đậm nghĩa tình của con người xứ Nghệ. Và chúng tôi như cảm nhận rõ hơn cốt cách, tinh thần một đời vì nước, vì dân của Bác.


N.T