11:10, 07/10/2017

Để xương khỏe mạnh ở tuổi 65

Sarah Leyland, chuyên gia về loãng xương cấp cao của Hiệp hội loãng xương quốc gia Mỹ cho biết, xương có khuynh hướng suy yếu khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, dù ở độ tuổi 65, bạn vẫn có thể tăng cường sức khỏe của xương, giảm nguy cơ bị té ngã và ngăn ngừa gãy xương bằng việc thực hiện các biện pháp khoa học.

Sarah Leyland, chuyên gia về loãng xương cấp cao của Hiệp hội loãng xương quốc gia Mỹ cho biết, xương có khuynh hướng suy yếu khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, dù ở độ tuổi 65, bạn vẫn có thể tăng cường sức khỏe của xương, giảm nguy cơ bị té ngã và ngăn ngừa gãy xương bằng việc thực hiện các biện pháp khoa học.
 
Tuổi 65 vẫn nên hoạt động để xương khỏe mạnh
 
Mức độ hoạt động cơ thể của chúng ta có xu hướng giảm khi già đi. Người già thường cảm thấy thiếu năng lượng để tập thể dục và hoạt động thể chất. Các vấn đề như khớp cứng, đau cũng ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thể chất và việc ít hoạt động lại càng làm cho cơ và xương suy yếu, tăng nguy cơ loãng xương, ngã và gãy xương. 
 
Để tăng sức khỏe của xương, người trên 65 tuổi nên tập thể dục cường độ trung bình, mỗi lần khoảng 10 phút như chơi golf, làm vườn, hoặc đi dạo. Các chuyên gia y tế khuyến cáo những người trên 65 tuổi nên vận động để cải thiện sức mạnh cơ bắp ít nhất 2 lần một tuần như nhảy, đi lên và xuống cầu thang… hoặc các hoạt động cải thiện sự cân bằng và phối hợp như yoga hoặc thái cực quyền hai lần một tuần. Những hoạt động này cũng có thể làm giảm cứng và đau khớp. Những người trên 65 tuổi nên tránh ngồi lâu. Ngồi lâu có thể làm cứng cơ và tăng nguy cơ ngã. Nếu ngồi hơn 20-30 phút, hãy đứng dậy và đi lại.
 
Các vấn đề về thể chất, chẳng hạn như các khớp đau ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Vì vậy, những người trên 65 tuổi có thể tham gia các lớp học dành cho những người lớn tuổi hoặc những người có các tình trạng sức khỏe như bệnh tim hoặc viêm khớp. Những người cao tuổi cũng nên tránh nâng những vật nặng và một số loại bài tập vận động mạnh. 
 
 
 
Chế độ ăn uống để xương khỏe mạnh 
 
Một số người cao tuổi thường giảm sự thèm ăn khi có tuổi. Việc thiếu dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của xương khớp. Do đó, duy trì vận động sẽ làm tăng cảm giác ngon miệng. Những người cao tuổi cũng cần phải giữ một chế độ ăn uống cân bằng, tăng lượng trái cây và rau quả.
 
Để xương khỏe mạnh đặc biệt cần canxi, vitamin D và protein. Canxi là chất làm cho xương và răng chắc khỏe và vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi. Protein rất quan trọng đối với sức mạnh cơ bắp. Thiếu protein có liên quan đến nguy cơ gãy xương hông ở người cao tuổi. Hơn nữa, chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp duy trì một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Thiếu cân có liên quan đến nguy cơ gãy xương cao hơn.
 
Vitamin D quan trọng cho cả cơ và xương khỏe mạnh. Những người không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên bổ sung vitamin D hàng ngày. Một số thực phẩm có chứa vitamin D như dầu cá, cá hồi, trứng, thực phẩm giàu vitamin D và một số loại ngũ cốc. 
 
Bảo vệ xương ở người cao tuổi
 
Người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị gãy xương, đặc biệt là gãy xương hông hoặc cột sống. Điều này một phần là vì người cao tuổi bị loãng xương và dễ bị té ngã. Để ngăn ngừa ngã và gãy xương, nên kiểm tra mắt và kiểm tra thính giác ít nhất 2 năm một lần bởi thị giác và thính giác đóng vai trò  quan trọng trong sự cân bằng và di chuyển. Hãy đến cơ sở y tế nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt hay gặp các vấn đề về thính giác.
 
Ngoài ra, người cao tuổi cần chăm sóc bàn chân bởi đau chân ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và tăng nguy cơ té ngã. Ngoài ra, lưu ý một số loại thuốc kiểm soát huyết áp, có thể gây mờ mắt hoặc chóng mặt.
 
Theo An ninh Thủ đô