09:02, 01/02/2016

Chút hơi ấm khi xuân về

Tết đã cận kề nhưng đâu đó vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ. Và vẫn có những người bằng việc làm nhỏ bé của mình đã đem chút hơi ấm đến với họ!

Tết đã cận kề nhưng đâu đó vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ. Và vẫn có những người bằng việc làm nhỏ bé của mình đã đem chút hơi ấm đến với họ!


Tặng mền cho người ngủ vỉa hè


Nhận 200 USD từ một người bạn Việt kiều, nhóm từ thiện ở Nha Trang (gồm một số công nhân viên chức, người nghỉ hưu) lên kế hoạch mua mền và lì xì cho người lang thang cơ nhỡ. Đây không phải lần đầu tiên nhóm làm việc này. Mỗi khi có nguồn tài trợ hoặc quyên góp được một khoản, nhóm lại tổ chức làm từ thiện.

 

Nhóm từ thiện tặng mền và lì xì cho người lang thang cơ nhỡ
Nhóm từ thiện tặng mền và lì xì cho người lang thang cơ nhỡ

 


Khoảng 22 giờ, nhóm bắt đầu hành trình đến các con đường quanh Chợ Đầm, Xóm Mới, Vĩnh Hải… Ở đó, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những người lang thang bán vé số, nhặt ve chai hoặc đạp xích lô sau ngày lao động mệt nhọc chìm vào giấc ngủ.


Trên bậc tam cấp của căn nhà khang trang đối diện chợ Xóm Mới, một cụ bà ngoài 70 tuổi đang nằm co ro bên cạnh gánh đồ lỉnh kỉnh chai nhựa, vỏ lon bia… Hai chân bà cho vào bao tải để đỡ lạnh và muỗi. Nhận tấm mền mỏng cùng bao lì xì với số tiền ít ỏi từ nhóm từ thiện, bà cho biết: “Tôi quê ở Phan Rang. Hai đứa con trai đi tù vì cá độ, 2 con dâu bỏ đi, để lại cho tôi 5 đứa cháu. Gửi hết các cháu ở chùa Long Sơn, hàng ngày, tôi đi lượm ve chai kiếm tiền nuôi mình và dành dụm cho cháu, tối đến tiện đâu thì ngả lưng ngủ ở đó”.


Trong khi đó, ông Hùng (khoảng 70 tuổi) lặn lội từ Phú Yên vào Nha Trang mưu sinh bằng nghề đạp xích lô. Mỗi ngày chỉ kiếm vài chục ngàn đồng, không đủ tiền thuê nhà nên đêm đến, ông ngủ ngay trên chiếc xích lô cũ kỹ trước công viên 23 tháng 10. Cuộc sống không nhà cực khổ, đến việc tắm rửa ông cũng phải nhờ ở giếng nhà một người quen.


Cách đó không xa, cụ bà hơn 80 tuổi quê ở Tu Bông (huyện Vạn Ninh) đang nằm co ro bên hông một ngân hàng. Hàng ngày cụ đi xin khắp các ngõ ngách trong thành phố. Cụ không thuê nhà vì còn tiết kiệm tiền để thỉnh thoảng đi xe buýt về Tu Bông thăm cháu.


Hơn 1 giờ sáng, nhóm vẫn tỉ mẩn đến từng ngõ ngách còn nhiều hoàn cảnh bất hạnh, vì một lý do nào đó đã đẩy họ đến góc chợ, lề đường. Tuy những mảnh chăn mỏng, những phong bao lì xì nhỏ bé không thể thay đổi cuộc đời họ, nhưng hy vọng họ sẽ có chút niềm vui khi mùa Xuân về!


Cô bé 9x và tủ bánh mì từ thiện


Những ngày cuối năm, nhiều người bất ngờ với tủ bánh mì nhỏ bé lọt thỏm giữa dòng người hối hả qua lại trên đường Lê Thành Phương (TP. Nha Trang). Trên tủ dán tờ giấy ghi dòng chữ: “Bánh mì từ thiện. 1 người 1 ổ”. Những người nghèo đến nhận bánh cũng không biết chủ nhân là ai bởi cô bé 9x chỉ ngồi ở một góc xa lẳng lặng quan sát. Và niềm vui dâng trào trong cô khi tủ bánh mì hết nhanh chóng sau vài giờ.


Một anh bảo vệ Ngân hàng liên doanh Việt Nga chi nhánh Nha Trang cho biết, chủ nhân tủ bánh mì là một nhân viên của ngân hàng này. Hàng ngày, cô dậy sớm hơn mọi người, đi mua bánh mì rồi nhờ bảo vệ cơ quan mang tủ bánh ra trước ngân hàng để. Cứ như vậy, mọi việc diễn ra lặng lẽ. Những người nhận cũng không biết bánh mì của ai.   


Sau nhiều lần thuyết phục, chủ nhân của tủ bánh mì từ thiện mới cho biết cô tên là Nguyễn Cát Tường Linh (sinh năm 1990, quê Khánh Hòa). Linh tâm sự, thấy chương trình “Bánh mì từ thiện” trong TP. Hồ Chí Minh rất ý nghĩa nên cô nảy sinh ý định làm điều tương tự ở Nha Trang. Nói là làm, hàng ngày, Linh trích tiền lương mua 50 ổ bánh mì, bỏ vào một tủ gỗ không khóa. Ai đi qua muốn lấy thì mở tủ. “Sau vài ngày, một số người bạn của tôi biết và ủng hộ mỗi người vài trăm nghìn đồng để tôi có thêm kinh phí duy trì tủ bánh mì từ thiện. Có cô bạn nhà sản xuất bánh mì cũng để lại giá rẻ 1.800 đồng/ổ thay vì 2.200 đồng/ổ như giá thị trường. Tôi vui vì nhận được sự ủng hộ của bạn bè. Tôi sẽ mở tủ bánh mì từ thiện đến 28 tháng Chạp rồi nghỉ Tết; ngày mùng 9 sẽ mở lại. Tôi nghĩ còn có nhiều người muốn làm từ thiện như tôi nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Hy vọng rồi đây sẽ có nhiều người làm như tôi ở nhiều địa điểm khác nhau để nhiều người nghèo được nhận bánh mì từ thiện”, Linh chia sẻ.


VĂN KỲ