12:08, 05/08/2014

Để tránh rủi ro khi mua hàng qua mạng

Hiện nay, việc các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng mạng Interrnet để bán hàng là một hình thức kinh doanh thương mại nhiều tiện lợi. Tuy nhiên, hoạt động mua bán qua mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên người mua hàng cần phải nắm một số kiến thức pháp luật cơ bản để không bị thiệt thòi.

Hiện nay, việc các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng mạng Interrnet để bán hàng là một hình thức kinh doanh thương mại nhiều tiện lợi. Tuy nhiên, hoạt động mua bán qua mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên người mua hàng cần phải nắm một số kiến thức pháp luật cơ bản để không bị thiệt thòi.


Chị Nguyễn Thị Hoài Anh là nhân viên lễ tân của một khách sạn lớn nên nhu cầu về các loại quần áo thời trang, mỹ phẩm, giày dép rất nhiều. Vì không có thời gian, chị thường xuyên mua hàng trên mạng qua các trang web có uy tín. “Mình không có thời gian nên việc mua sắm qua mạng khá tiện lợi, vừa đáp ứng được nhu cầu, vừa không phải mất công đi tìm, thử quần áo”, chị Anh chia sẻ về tiện ích của việc mua hàng trên mạng.


Thế nhưng, cũng có trường hợp lại chẳng được như ý như trường hợp của chị Nguyễn Thị Dung ở phường Tân Lập, Nha Trang. Chị Dung mới sinh con, nghe bạn bè giới thiệu về bộ sản phẩm chăm sóc trẻ như bình sữa, khăn, sữa tắm, dầu gội... nhập khẩu từ Đức được bán qua mạng, nên quyết định mua một bộ. Liên hệ với trang web, chị được hướng dẫn nạp tiền vào tài khoản sẽ có hàng với những lời cam đoan chắc chắn về giá cả, chất lượng. Thế nhưng khi nhận hàng chị mới phát hiện hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Liên hệ lại trang web nhiều lần mà cũng chẳng giải quyết được gì.


Còn em Hoàng Văn Bình, sinh viên Trường Đại học Nha Trang thì còn kém may mắn hơn. Bình muốn mua một chiếc laptop cũ, giá rẻ để phục vụ việc học tập. Được bạn bè mách, Bình cũng lên mạng, vào trang web đặt mua hàng và được thông báo có máy Laptop Acer đời mới, chỉ mới sử dụng được vài tháng với giá 6 triệu và phải đặt trước 1 triệu đồng. Thấy giá rẻ, Bình đã tin tưởng chuyển tiền qua số tài khoản được thông báo nhưng sau đó chờ mãi cũng không thấy được giao máy. Gọi các số điện thoại được cung cấp bởi trang web thì không liên hệ được, Bình mới biết đã bị lừa nhưng không biết khiếu nại ở đâu.


Hiện nay, việc bán hàng qua mạng đã trở nên rất phổ biến. Đây là một hình thức kinh doanh thương mại đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời đại thông tin. Người mua có thể tham khảo bất kỳ loại hàng hóa nào cũng như giá cả của chúng trên các trang web. Hình thức giao hàng và thanh toán cũng đa dạng, có thể đặt tiền trước, giao hàng hoặc giao hàng, trả tiền sau... tất cả tùy thuộc vào lòng tin của các bên. Nhiều trang web bán hàng làm ăn có uy tín nên lượng khách hàng khá đông. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều trang web lập ra chuyên lừa đảo. Rủi ro khi mua bán trực tuyến chủ yếu là do hai bên không gặp nhau khi giao hàng, thanh toán. Rủi ro ấy có thể là đã thanh toán nhưng không nhận được hàng, hoặc hàng được giao không đúng như mẫu giới thiệu hay tệ hơn là còn bị lừa đảo như trường hợp của sinh viên Bình.


Pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động này song không phải ai cũng biết. Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT), hoạt động TMĐT là việc “tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”. Một trong những điều kiện để các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập trang web TMĐT bán hàng là phải thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập trang web TMĐT bán hàng.


Theo một cán bộ của Sở Công Thương, việc đăng ký này được thực hiện ở Bộ Công Thương. Qua đó, Bộ sẽ quản lý toàn bộ các trang web TMĐT trên toàn quốc và có thông tin đầy đủ trên Cổng thông tin của Bộ về người chịu trách nhiệm, các loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website; tên đăng ký của thương nhân, tổ chức hoặc tên của cá nhân sở hữu; địa chỉ trụ sở; số, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, tổ chức kinh doanh... của trang web TMĐT.


Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì chỉ các trang web có tên miền Việt Nam mới phải thông báo, vì thế nhiều người lách luật bằng cách không đăng ký tên miền “vn”. Hoặc họ có thể lập trang bán hàng trên Facebook, Twitter... (là các trang mạng xã hội ở nước ngoài). Vì thế, cơ quan Nhà nước rất khó quản lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong trường hợp có thông tin về các trang web lừa đảo bán hàng qua mạng, Cảnh sát kinh tế và Quản lý thị trường có quyền hạn để làm rõ song cũng rất khó xác định thông tin cụ thể người chịu trách nhiệm thành lập trang web.


Chính vì thế, người mua cần cẩn thận và nên kiểm chứng thông tin về trang web TMĐT. Chú ý tên miền (phải có “vn”)  hoặc kiểm tra trang web này thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (online.gov.vn) để tránh mọi rủi ro có thể phát sinh.


Tuyết Mai