09:08, 05/08/2014

Cà phê cóc chưa đảm bảo vệ sinh

Hầu như con phố nào ở Nha Trang cũng có các quán cà phê cóc trên các vỉa hè. Nhiều nhất là trước các cơ quan, trụ sở công ty hoặc trước các công trường xây dựng. Nhiều người thích uống cà phê cóc vì bình dân, vui và đôi khi thân thiết với người bán.

Hầu như con phố nào ở Nha Trang cũng có các quán cà phê cóc trên các vỉa hè. Nhiều nhất là trước các cơ quan, trụ sở công ty hoặc trước các công trường xây dựng. Nhiều người thích uống cà phê cóc vì bình dân, vui và đôi khi thân thiết với người bán. Các quán cà phê cóc đông đúc nhất là buổi sáng, do nhiều người tranh thủ uống ly cà phê trước khi bắt đầu ngày làm việc mới. Người bán chỉ cần vài bộ bàn ghế, vài bộ phin pha, thậm chí chỉ dùng một cái phin loại lớn, một thùng xốp đựng đá lạnh là có thể mở một quán cóc nho nhỏ.


Nhưng chỉ cần để ý một tí mới thấy hết cảnh mất vệ sinh ở những quán cà phê lưu động này. Các ly uống xong được rửa ngay tại lề đường bụi bặm bằng các chậu nước có màu đen và dụng cụ vệ sinh không được sạch sẽ. Những chậu nước rửa được dùng từ sáng tới trưa, vừa rửa ly cà phê vừa rửa tay. “Làm sao được anh, nhà thì xa mà mua nước ở gần đây thì người ta không bán, sáng sớm em phải chở bằng xe máy tới 3 lần mới đủ nước xài, biết là không đảm bảo vệ sinh nhưng đành chịu”, một bà chủ quán cà phê cóc trên đường Trần Hưng Đạo cho biết. Vì là quán lưu động nên các chủ quán không còn cách nào khác là tận dụng hết những gì mình có.

 

Một quán cà phê cóc trên đường Yersin, Nha Trang.
Một quán cà phê cóc trên đường Yersin, Nha Trang.


Chị X. bán cà phê cóc trên đường Ngô Quyền với hành trang chỉ có vài cái xô loại nhỏ, một cái đựng bột cà phê đã pha, nước đen ngòm, xô còn lại chị dùng rửa phin và cốc chén. Khi nghe tôi phàn nàn về chuyện vệ sinh thực phẩm, chị X. phân trần: “Quán nào cũng vậy thôi em à, sạch sao được, bởi mình bán thế này cũng không biết các anh đô thị đến lúc nào. Họ đến là phải dọn đồ chạy chứ nếu không mình cũng sắm đầy đủ, dụng cụ sạch sẽ”.


Nhiều người tuy biết cà phê cóc mất vệ sinh nhưng vẫn uống. Anh Thanh chạy xe ôm ở Ga Nha Trang cho rằng, cà phê cóc hầu như quán nào cũng mất vệ sinh, nhưng phải chấp nhận. “Một ngày tôi chạy xe khá lắm cũng chỉ được gần trăm bạc, ngồi quán sang trọng có người phục vụ thì một ly phải mất hơn chục ngàn. Tôi còn phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học, nếu uống cà phê như thế thì còn lại được bao nhiêu. Trong lúc đó ở ga, quán tôi thường uống giá chỉ 3.000 đồng/ly, ngày uống 3 lần cũng được. Biết là bẩn nhưng nó rẻ, cần lúc nào là có lúc ấy, chất lượng thì cũng thế cả”, anh Thanh cười nói.


Anh Nguyên Lý trú đường Thống Nhất cho biết: “Tuy biết cà phê cóc mất vệ sinh nhưng vì nó tiện lợi, chỗ nào cũng có thể ghé vào làm 1 ly cho đã thèm. Hơn nữa nó lại kinh tế, ngồi với 5 - 6 ông bạn chỉ mất vài chục ngàn đồng”.


Vấn đề an toàn thực phẩm đường phố từ lâu đã được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm và tuyên truyền, nhưng dường như các quán cà phê cóc vẫn chưa lọt vào tầm ngắm dù cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi chất lượng vệ sinh không đảm bảo.


NAM ĐÀN - T.L