10:04, 14/04/2016

Vì hòa bình

Sáng 12-4, Cảng Quốc tế Cam Ranh đón hai tàu huấn luyện lực lượng tự vệ trên biển JS ARIAKE và JS SETOGIRI của Nhật Bản đến thăm. Trước đó, ngày 17-3, tàu RSS ENDURANCE của Hải quân Cộng hòa Singapore cũng đã đến thăm cảng.

Sáng 12-4, Cảng Quốc tế Cam Ranh đón hai tàu huấn luyện lực lượng tự vệ trên biển JS ARIAKE và JS SETOGIRI của Nhật Bản đến thăm. Trước đó, ngày 17-3, tàu RSS ENDURANCE của Hải quân Cộng hòa Singapore cũng đã đến thăm cảng.


Cảng chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8-3. Đây là một trong những cảng biển lớn nhất của Việt Nam, có thể tiếp nhận tàu tải trọng tối đa đến 110.000DWT; năng lực tiếp nhận 18 tàu cùng lúc, 185 tàu mỗi năm; cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão lên đến cấp 8.


Đại tá Morishita Haruhiko, Tư lệnh đơn vị Tàu hộ vệ số 15 Nhật Bản bày tỏ xúc động khi được đón tiếp trọng thị. Ông khẳng định, Cảng Quốc tế Cam Ranh là cảng biển tự nhiên tốt nhất trong khu vực. Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định thời gian tới sẽ tiếp tục sử dụng cảng này trong các chuyến thăm Việt Nam.


Tại buổi tiếp đón, Đại sứ Nhật Bản, ông Fukada Hiroshi chuyển lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani gửi tới Việt Nam. Thư có đoạn viết:


“... Tháng 11 năm ngoái khi tôi tới thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh, nơi đây vẫn còn đang trong quá trình xây dựng. Chỉ trong thời gian ngắn 4 tháng, cảng đã thay đổi diện mạo, trở thành một cảng biển quy mô như hiện nay, điều này thể hiện nỗ lực và khả năng của Hải quân nhân dân Việt Nam.


... Tôi tin tưởng rằng Cảng Quốc tế Cam Ranh sẽ có những đóng góp to lớn cho hòa bình và ổn định của Biển Đông nói riêng cũng như khu vực và thế giới nói chung. Tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã quyết định sáng suốt xây dựng Cảng Quốc tế Cam Ranh...


... Trong thời gian tới, tàu của lực lượng tự vệ biển Nhật Bản mong muốn tiếp tục thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh. Và tôi tin tưởng rằng các chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước nói chung, lực lượng Hải quân nói riêng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ cố gắng hết sức vì sự phát triển không ngừng của quan hệ hợp tác, giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam...”.


Còn nhớ, phát biểu ý kiến tại lễ khánh thành cảng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Việt Nam có hơn 3.200km bờ biển, nằm trong vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng, với những tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch của khu vực và thế giới. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; trong đó, có chủ trương xây dựng Cảng Quốc tế Cam Ranh trở thành khu dịch vụ hàng hải và cung ứng, sửa chữa tàu biển lớn, hiện đại. Ông cũng khẳng định, xây dựng Cảng Quốc tế Cam Ranh là để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.


Chỉ sau hơn một tháng khánh thành, Cảng Quốc tế Cam Ranh đã tạo được dấu ấn quan trọng; từng bước thể hiện rõ vai trò “đóng góp cho hòa bình và ổn định của Biển Đông nói riêng cũng như khu vực và thế giới nói chung”, như lời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani.


PHONG NGUYÊN