20:53, 14/09/2023

Phát huy tiềm năng, lợi thế, nắm bắt thời cơ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cả nhiệm kỳ

Nỗ lực và quyết tâm cao


Do tác động mạnh của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng du khách đến với Khánh Hòa giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 20% về số lượng và doanh thu so với những năm trước đây. Không có du khách, hơn 1.000 cơ sở lưu trú tạm ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm. Năm 2020, lần đầu tiên kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) âm 10,5%, ngân sách hụt thu đến 30%. Bước sang năm 2021, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục suy giảm mạnh khi phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài. Song, được sự quan tâm của Trung ương, cùng tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo các tình huống, những thách thức, khó khăn phát sinh để chủ động đề ra những chủ trương, định hướng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả rất quan trọng với nhiều điểm sáng nổi bật. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng tăng dần khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản. 


Năm 2022, GRDP của tỉnh tăng trưởng 20,7%, góp phần đưa tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,62% (chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là 7,5%); quy mô kinh tế tăng 1,2 lần so với năm 2020, vượt 12% so với năm 2019. Du lịch phục hồi mạnh mẽ với các chuỗi sự kiện văn hóa, giải trí lớn được tổ chức. 


Trong 8 tháng của năm 2023, Khánh Hòa đạt 19,4 triệu lượt khách; trong đó có 5 triệu lượt khách lưu trú, gồm 3,8 triệu lượt khách nội địa và 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,64%, giảm 30,4% so với đầu nhiệm kỳ. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt cao so với Nghị quyết Đại hội. 


Bên cạnh đó, xác định việc lập và triển khai quy hoạch là chìa khóa, động lực cho sự phát triển, trên tinh thần dân chủ và thẳng thắn, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận kỹ lưỡng về những định hướng lớn đối với các quy hoạch quan trọng của tỉnh; chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo các địa phương, đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện và tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu bảo đảm đồng bộ, phù hợp, làm cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thu hút đầu tư.


Cơ chế, chính sách đặc thù tạo cơ hội bứt phá 


Tỉnh ủy đã phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ban, ngành, cơ quan của Trung ương để tham mưu, trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến đối với Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua tổng kết, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16-6-2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Các nghị quyết của Trung ương với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới, vượt trội đã tạo điều kiện to lớn giúp Khánh Hòa khơi thông tiềm năng, tạo cơ hội để tỉnh bứt phá, phát triển lên tầm cao mới. 


Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU, ngày 23-2-2022; đồng thời HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản để kịp thời cụ thể hóa một số nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh trong thực hiện các nghị quyết của Trung ương như: Quy định chi tiết về mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu Kinh tế Vân Phong; Quyết định về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường đối với dự án đầu tư trong Khu Kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc tỉnh Khánh Hòa; về chuyển mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500ha sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa; Nghị định về thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa… Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, tỉnh Khánh Hòa luôn nêu cao tinh thần cầu thị, chủ động xin ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kịp thời tuyên truyền, vận động cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, nhất là đối với các dự án quan trọng, công trình trọng điểm của quốc gia đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã giúp nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. 


Phát huy tiềm năng và lợi thế về biển


Nhằm phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế về biển, tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường thu hút đầu tư vào các khu đô thị ven biển, hình thành quy hoạch, tập trung kêu gọi đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, các cảng biển nước sâu gắn với logistics kết nối với các địa phương vùng Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố trong cả nước; bảo vệ hệ sinh thái biển và phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao... 


Tỉnh đã tiến hành thí điểm Đề án nuôi biển công nghệ cao và chính thức triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao, sử dụng lồng nuôi HDPE trên vùng biển mở, nhằm góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái; từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09 với định hướng, đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 100% lồng bè nuôi truyền thống sang nuôi lồng HDPE và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ, ứng dụng công nghệ cao, phát triển ra xa bờ với phương thức quản lý hiện đại.


Với tinh thần hướng về Trường Sa thân yêu, mong muốn nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức và nhân dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã phối chặt chẽ với Quân chủng Hải quân huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế biển, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục trên địa bàn huyện. Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ký kết với Đảng ủy Quân chủng Hải quân triển khai Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2023 - 2025 với 3 nội dung trọng tâm: Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công Lễ ra mắt, phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa và nhận được sự ủng hộ trên 26 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá là nguồn lực bổ sung quan trọng giúp phát triển nghề cá và phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa. 

Triển khai thí điểm mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển xã Cam Lập, TP. Cam Ranh. Ảnh: THANH LONG
Triển khai thí điểm mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển xã Cam Lập, TP. Cam Ranh. Ảnh: THANH LONG

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Quyết tâm hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025


Dự báo trong bối cảnh tình hình mới, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan, đó là: Tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp về an ninh chính trị, ngoại giao, chủ quyền; kinh tế sẽ chịu tác động mạnh bởi các yếu tố tiêu cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; tỉnh tiếp tục tập trung khắc phục các sai phạm và giải quyết hậu quả pháp lý phát sinh do những yếu kém trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai ở các địa phương.

 
Trong bối cảnh ấy, Tỉnh ủy đã đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XVIII. Đối với các chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt để giữ vững và phấn đấu đạt ở mức cao nhất có thể để bù đắp cho những lĩnh vực đạt thấp và khó đạt theo Nghị quyết Đại hội. Tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như dịch vụ, du lịch để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường kêu gọi và xúc tiến đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách; có giải pháp hiệu quả hơn nữa trong tăng thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt hạ tầng các khu công nghiệp; hạ tầng giao thông ở các địa bàn trọng điểm. Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường, xử lý chất thải. Quan tâm triển khai tốt chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh để đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian đến...


Song song đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai các giải pháp phù hợp để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động người dân tích cực tham gia vì lợi ích của gia đình, bản thân và xã hội, góp phần nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, phấn đấu đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Đồng thời, đề ra các giải pháp tổng thể nhằm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, tránh các xung đột phát sinh; trước mắt sẽ phát động một số chương trình hành động nhằm mục tiêu nâng cấp chỉ số “xanh” trên toàn tỉnh…


Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo hơn nữa để nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ, đáp ứng kỳ vọng về sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.


ĐOÀN KẾT