09:08, 12/08/2018

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước: Cần tiếp tục chỉnh lý

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 cuối năm nay và hiện tiếp tục được lấy ý kiến. Tại cuộc họp do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức, nhiều ý kiến kiến nghị tiếp tục chỉnh lý dự thảo luật.

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 cuối năm nay và hiện tiếp tục được lấy ý kiến. Tại cuộc họp do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức, nhiều ý kiến kiến nghị tiếp tục chỉnh lý dự thảo luật.


Nhiều khái niệm chưa rõ


Theo ông Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhiều khái niệm trong dự thảo luật chưa rõ. Ví dụ, Điều 2 “Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng…, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”, nên bỏ cụm từ thừa “chưa công khai”; đồng thời nêu rõ tiêu chí xác định “có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”. Cụm từ “mất bí mật nhà nước” chưa chính xác, vì chỉ có thể mất tài liệu thể hiện bí mật nhà nước. Tương tự, trong các hành vi bị nghiêm cấm, quy định “chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác…” còn mơ hồ.


Ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Xây dựng văn bản (Sở Tư pháp) phân tích thêm, Điều 2 “Bí mật nhà nước được chứa trong tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động và các dạng khác”, nhưng lời nói, hoạt động là các dạng phi vật chất, là phương thức truyền đạt thông tin, không phải một dạng vật thể chứa bí mật nhà nước. Điều 14 nêu: “Trong trường hợp cần thiết,… người được ủy quyền… phải chịu trách nhiệm… trước cấp trưởng và trước pháp luật”, cần thay từ “cấp trưởng” bằng “người ủy quyền” và làm rõ thế nào là “trường hợp cần thiết”.


Điều 16 nêu: “Vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ở trong nước do người làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước, người làm công tác giao liên hoặc văn thư của cơ quan, tổ chức thực hiện; vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước qua giao liên phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong”. Đại biểu đã đặt vấn đề, phải chăng chỉ áp dụng nguyên tắc giữ kín, niêm phong đối với giao liên? Giao liên là người có vị trí việc làm thế nào theo Luật Viên chức, hay làm hợp đồng? Và nếu làm hợp đồng, có thể được giao thực hiện công việc trên hay không?


Dự thảo luật cũng chưa lượng hóa được thế nào là gây nguy hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Khái niệm “lộ bí mật nhà nước” không nêu rõ chủ thể, khách thể. Một số điều còn sử dụng từ “nếu”, “có thể”, không thể hiện được tính chính xác của luật.


Quy định vừa thừa, vừa thiếu


Điều 10 quy định 15 lĩnh vực thuộc phạm vi thông tin bí mật nhà nước gồm: chính trị; quốc phòng, an ninh, cơ yếu; lập pháp, tư pháp; đối ngoại; kinh tế; tài nguyên và môi trường; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; thông tin và truyền thông; y tế; lao động, xã hội; tổ chức, cán bộ; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; kiểm toán. Từng lĩnh vực có phạm vi bí mật nhà nước riêng. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định tuy chi tiết nhưng vẫn vừa thừa vừa thiếu, vì có điểm cần giữ bí mật, cũng có nội dung cần tuyên truyền. Ví dụ, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước phải đến với dân; thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước lâu nay đều được công khai, đặc biệt trong các đợt bầu cử, ứng cử. Hay thông tin về việc khởi tố, truy tố, xét xử và thi hành án, từng vụ án có thể có thông tin bí mật, nhưng quá trình điều tra, xét xử đã được luật quy định phải công khai. Nên chăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành danh mục bí mật nhà nước kèm theo luật trên cơ sở rà soát lại, bảo đảm chặt chẽ, chính xác, đầy đủ.


Vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước cũng chưa quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí phân loại 3 cấp độ tuyệt mật, tối mật và mật. Quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn và căn cứ xác định. Dự thảo quy định thành lập cả hội đồng giải mật nhưng việc quyết định độ mật lại giao cho người đứng đầu cơ quan.


Ngoài ra, dự thảo chưa làm rõ yếu tố vô ý và cố ý làm lộ bí mật nhà nước; trách nhiệm người đưa thông tin; trong khi lại quy định thừa “kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ bảo vệ bí mật nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm”. Một số khoản trùng nội dung, như trong Điều 7, Khoản 5 và 6 về hành vi bị nghiêm cấm, có quy định lưu giữ bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông; Khoản 9 cũng nêu hành vi truyền đưa, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông… Dự thảo cần bổ sung điều luật về giám sát; về hành vi “làm ra” trong các hành vi bảo vệ bí mật nhà nước và về tiêu hủy tài liệu bắt buộc trong tình huống khẩn cấp khi chưa đến hạn giải mật…  


Tại cuộc họp, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận các ý kiến để chuyển Ban soạn thảo xem xét theo hướng thống nhất cơ cấu chung và chỉnh lý điều luật.


NGUYỄN VŨ