05:09, 14/09/2017

Làm việc với UBND tỉnh về chính sách giảm nghèo và dạy nghề

Ngày 14-9, ông Hồ Văn Mừng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa chủ trì buổi giám sát việc UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương thực hiện chính sách giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ngày 14-9, ông Hồ Văn Mừng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa chủ trì buổi giám sát việc UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương thực hiện chính sách giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các ông: Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đến dự.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh có 21.379 hộ nghèo. Thực hiện chính sách giảm nghèo, toàn tỉnh đã hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm miễn phí cho 100% người nghèo; hỗ trợ 1.000 con bê cái sinh sản cho hộ nghèo và đến nay đã phát triển được 1.118 con; hỗ trợ gạo cứu đói cho 74.958 người nghèo dịp tết với kinh phí hơn 13 tỷ đồng; cho hơn 22.400 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay hơn 496,7 tỷ đồng vốn; hỗ trợ xây 150 căn nhà cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh đã bố trí 2,7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; bố trí hơn 9 tỷ đồng cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đầu năm đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.675 người, trong đó dạy nghề phi nông nghiệp cho 1.132 người, dạy nghề nông nghiệp cho 543 người…

 

Hiện nay, việc thực hiện chính sách giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn những hạn chế như: nguồn lực bố trí cho giảm nghèo chưa đáp ứng đủ nhu cầu; chưa có cơ chế, chính sách và bố trí vốn giải quyết những thiếu hụt về dịch vụ xã hội theo tiêu chí nghèo đa chiều; nhận thức của hộ nghèo còn hạn chế, có nhiều hộ còn tư tưởng ỷ lại, không chịu làm ăn vươn lên thoát nghèo; tuy có trên 70% người sau học nghề có việc làm nhưng chủ yếu là tự tạo việc làm nên thiếu ổn định; do thời gian dạy nghề ngắn 3 tháng nên kỹ năng nghề của người học chỉ ở mức giản đơn…

 

Ông Hồ Văn Mừng phát biểu tại buổi giám sát.
Ông Hồ Văn Mừng phát biểu tại buổi giám sát.

 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cho công tác giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: nên tách đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo ra để có chính sách dành riêng cho đối tượng này; cần xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ để từ đó đưa ra giải pháp để giúp đỡ họ thoát nghèo; nên hạn chế việc cấp phát, cho không mà chuyển sang chính sách hỗ trợ cách làm ăn, hội thảo đầu bờ, cầm tay chỉ việc để người nghèo có lực vươn lên; cần có giải pháp cứng rắn đối với những hộ nghèo có sức lao động mà không chịu làm ăn, trông chờ ỷ lại vào chính sách của nhà nước; đổi mới cách tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hộ nghèo về mọi mặt; dạy nghề cần phải gắn với doanh nghiệp, việc làm; cần có chính sách vay vốn cho người sau khi học nghề…

 

Kết luận tại buổi giám sát, ông Hồ Văn Mừng đề nghị, UBND tỉnh cần làm rõ những khó khăn, hạn chế trong công tác giảm nghèo; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và dạy nghề và lồng ghép với các chương trình khác; chỉ ra những bất cập trong việc triển khai các tiêu chí giảm nghèo đa chiều để từ đó kiến nghị trung ương điều chỉnh cho hợp lý; cần phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các sở, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện chính sách giảm nghèo; quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác giảm nghèo; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhân thức tránh trông chờ ỷ lại; cương quyết đưa những hộ nghèo có sức lao động, chây lười lao động ra khỏi danh sách hộ nghèo; công tác dạy nghề cần nghiên cứu theo hướng sát với doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội...

 

VĂN GIANG