10:09, 12/09/2017

Nhiều chất vấn về an toàn giao thông, dự án du lịch chậm tiến độ

Chiều 12-9, trong phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa tháng 9-2017, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn các vấn đề về an toàn giao thông, các dự án du lịch chậm tiến độ, quản lý bè nổi du lịch..

 

Chiều 12-9, trong phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa tháng 9-2017, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn các vấn đề về an toàn giao thông (ATGT), các dự án du lịch chậm tiến độ, quản lý bè nổi du lịch..


An toàn giao thông làm “nóng” nghị trường


Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp xử lý tình trạng tài xế xe tải, xe bồn chạy quá nhanh gây mất ATGT; tình trạng ùn tắc giao thông tại Nha Trang. “Phải làm sao để người dân ra đường không còn nơm nớp lo sợ xe ben, xe tải”, đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị đặt vấn đề. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, thời gian qua, Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông TP. Nha Trang đã tăng cường xử phạt, tuy nhiên áp lực chạy đủ chuyến nên nhiều lái xe vẫn vi phạm. Vấn đề mất ATGT bên cạnh việc lái xe phóng nhanh, chạy ẩu còn có một phần nguyên nhân do quy định của pháp luật. “Theo quy định, đường có dải phân cách xe tải được chạy 60km/giờ, tốc độ như vậy vẫn còn nhanh, tới đây, Sở GTVT sẽ họp với các đơn vị liên quan theo hướng trong địa phận nội thành Nha Trang tốc độ xe tải hạn chế xuống 40km/giờ”, ông Định nói. Riêng vấn đề giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông do xe du lịch 45 chỗ, ông Nguyễn Công Định cho rằng, nguyên nhân chính là thiếu bãi đỗ xe. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 8 bãi đỗ xe, tuy nhiên việc kêu gọi đầu tư các bãi đỗ xe đang khó khăn vì thiếu chính sách ưu đãi. Việc dùng xe trung chuyển đã tính đến nhưng chưa thể triển khai.

 

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Lan Phương đặt câu hỏi về “biện pháp khắc phục nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông ở tuyến tránh Quốc lộ 26 và các đường đấu nối trên địa bàn thị xã Ninh Hòa”. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Công Định cho biết: Công tác thẩm định, thẩm tra ATGT của tuyến tránh thị xã Ninh Hòa, Quốc lộ 26, Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT đã thường xuyên kiểm tra và có nhiều văn bản yêu cầu đơn vị thi công, nhà đầu tư BOT, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông tại các vị trí ngã giao tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.   

 
Đại biểu Nguyễn Phi Vũ cho biết, cử tri Ninh Hòa phản ánh tuyến đường tránh Ninh Hòa và một phần Quốc lộ 26 thiếu đèn chiếu sáng gây mất ATGT. Ông Nguyễn Công Định cho biết, cả 2 dự án này đều không được Bộ GTVT đầu tư hệ thống chiếu sáng. Tuy nhiên, Quốc lộ 26 đoạn từ Km3+732 đến Km10+480 hiện đã có hệ thống điện chiếu sáng; riêng đoạn từ Km10+480 đến cầu Dục Mỹ (xã Ninh Sim) sẽ được thực hiện bằng vốn ngân sách địa phương, hiện đang làm thủ tục để triển khai. Riêng tuyến tránh thị xã Ninh Hòa do nguồn kinh phí tỉnh khó khăn nên chưa thể thực hiện ngay lúc này.

 

Đường Trần Phú, TP. Nha Trang

Đường Trần Phú, TP. Nha Trang

 

Sẽ quản lý chặt bè nổi du lịch


Ông Lương Hùng Minh - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phản ánh, việc kinh doanh bè nổi du lịch trên vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh… vẫn tiếp diễn dù UBND tỉnh đã cấm. Hiện tại, TP. Nha Trang có 9 bè, TP. Cam Ranh có 23 bè, thị xã Ninh Hòa có 5 bè. Thực tế này đòi hỏi phải có hướng xử lý triệt để trong thời gian tới. Liên quan vấn đề này, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh hiện nay đều do người dân tự cải hoán, chuyển đổi từ bè nuôi trồng thủy sản nên không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường để đăng kiểm theo luật định, vì vậy cũng không được cấp phép hoạt động. UBND tỉnh đã chỉ đạo không cho phép các bè nổi này hoạt động kinh doanh ăn uống phục vụ du lịch; đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành và địa phương trong quản lý vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế các bè nổi du lịch vẫn hoạt động, công tác quản lý hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc.


Ông Đào Công Thiên nhấn mạnh, phải quản lý chặt hoạt động kinh doanh bè nổi phục vụ du lịch nhưng phải đảm bảo lợi ích của người dân, bởi đây là cơ hội cho các hộ nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế. Trước mắt, UBND cấp huyện tiến hành thống kê, phân loại các bè nổi, nhất là kiểm tra sức chứa của mỗi bè, kiên quyết đình chỉ các hoạt động của bè nổi không đủ điều kiện hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch tại địa phương mình quản lý, không để phát sinh thêm bè nổi mới. Bên cạnh đó, cần tiến hành quy hoạch ngay các vùng nước có thể tổ chức được bè phục vụ du lịch, xây dựng đề án hỗ trợ phát triển du lịch cho ngư dân ven biển. Các địa phương vận động, hướng dẫn các chủ bè nổi chuyển đổi mô hình đầu tư, xây dựng bè nổi đủ điều kiện hoạt động. UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ bè nổi chuyển đổi mô hình đầu tư.


Xử lý các dự án kéo dài nhiều năm


Tại cuộc họp, các đại biểu phản ánh trên địa bàn tỉnh có rất nhiều dự án chậm triển khai, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh, gây lãng phí tài nguyên, bức xúc trong dư luận tại các địa phương. Tại Ninh Hòa có Dự án Khu du lịch (KDL) Suối nước nóng Trường Xuân (xã Ninh Tây) và  Dự án KDL Ba Hồ (xã Ninh Ích) do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ sản xuất - Chế biến thực phẩm Thành Công làm chủ đầu tư kéo dài nhiều năm. KDL Bắc bán đảo Cam Ranh có Dự án Sân Golf và Biệt thự sinh thái Cam Ranh (Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Nha Trang làm chủ đầu tư), Dự án KDL The Manna (Công ty TNHH Bờ Biển Vàng làm chủ đầu tư), Dự án The Alma (Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường làm chủ đầu tư)...


Liên quan vấn đề trên, ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Dự án KDL Ba Hồ chậm tiến độ là do nhà đầu tư không tích cực triển khai. Hiện nay, UBND tỉnh đã yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn chỉnh các công trình đã xây dựng phần thô, đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2017, đối với các hạng mục còn lại phải hoàn thành trước ngày 30-6-2018. Nhà đầu tư phải cam kết tiến độ thực hiện dự án, nếu vi phạm sẽ bị xử lý, chấm dứt, thu hồi dự án mà không được khiếu nại, toàn bộ chi phí đã đầu tư không được bồi thường. Đến hạn, sở sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý theo cam kết. Đối với Dự án KDL Suối nước nóng Trường Xuân, nhà đầu tư đã có văn bản cam kết sẽ hoàn thiện đưa vào kinh doanh giai đoạn 1 vào tháng 6-2019, hoàn thiện đưa vào khai thác toàn dự án vào tháng 6-2021; nếu vi phạm sẽ chấp hành quyết định thu hồi dự án, không khiếu nại, toàn bộ chi phí đã đầu tư sẽ không được bồi thường. Sở kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận tiến độ thực hiện dự án như nhà đầu tư cam kết, nhà đầu tư phải ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án; đến hạn mà nhà đầu tư vẫn vi phạm sẽ tiến hành chấm dứt, thu hồi dự án.


Đối với các dự án tại KDL Bắc bán đảo Cam Ranh, ông Trần Hòa Nam cho hay: Để ràng buộc chủ đầu tư các dự án, năm 2013, UBND tỉnh đã có quyết định về việc ký quỹ đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, với mức 100 tỷ đồng/dự án. Để xử lý các dự án chậm tiến độ, các năm 2013 và 2014, sở đã tham mưu UBND tỉnh chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 9 dự án chậm tiến độ, không thực hiện việc ký quỹ. Ngoài ra, đến tháng 8-2017, có 14 dự án chậm tiến độ đã bị Thanh tra sở xử phạt vi phạm hành chính từ 15 đến 35 triệu đồng.


Ông Trần Hòa Nam cho biết thêm, Dự án Sân Golf và Biệt thự sinh thái Cam Ranh được các sở, ngành kiến nghị UBND tỉnh gia hạn đến ngày 31-12-2017, nếu nhà đầu tư vi phạm sẽ tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đối với dự án The Alma đã bị xử phạt một lần, tới đây Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh sẽ làm việc với nhà đầu tư về tiến độ thực hiện theo từng quý, cam kết nếu vi phạm tiến độ ở bất cứ giai đoạn nào sẽ bị xử lý chấm dứt, thu hồi dự án. Dự án The Manna đã 2 lần bị xử phạt hành chính, vi phạm nghiêm trọng thời gian gia hạn của UBND tỉnh. Ngày 5-9, UBND tỉnh đã giao Sở KH-ĐT phối hợp với Ban quản lý KDL Bắc bán đảo Cam Ranh và các sở, ngành liên quan rà soát quy định để tiến hành chấm dứt hoạt động của dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 9 này. 

      
Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn: Dự án Khách sạn Vavisal Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) được cấp phép từ năm 1994 đến nay không triển khai, công trình xây dựng dở dang trở thành điểm đen về tệ nạn xã hội tại xã Đại Lãnh. Trả lời vấn đề này, ông Đào Công Thiên cho biết, UBND tỉnh đã giao Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét các quy định của pháp luật để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính khi nhà đầu tư không thực hiện theo cam kết; trước mắt chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra việc sử dụng đất của dự án để làm cơ sở giải quyết theo trình tự quy định. Đây là dự án kéo dài nhiều năm nên việc xem xét, giải quyết theo quy định hiện hành gặp nhiều khó khăn, bởi quy định trong hoạt động đầu tư đã có nhiều thay đổi; việc giải quyết các vấn đề sai phạm của dự án cần phải tiến hành theo các bước phù hợp, vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư tự nguyện khắc phục, đồng thời xem xét, xử lý nghiêm trong trường hợp nhà đầu tư thiếu hợp tác, không thực hiện cam kết.


XUÂN THÀNH - BÍCH LA