10:07, 09/07/2017

Công tác bảo vệ môi trường: Chuyển biến tích cực

Vừa qua, HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý chất thải tại các nhà máy, các khu, cụm công nghiệp (KCN-CCN), các khu chăn nuôi; tình hình thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh" giai đoạn 2014 - 2016.

Vừa qua, HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý chất thải tại các nhà máy, các khu, cụm công nghiệp (KCN-CCN), các khu chăn nuôi; tình hình thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2014 - 2016. Trao đổi với Báo Khánh Hòa về vấn đề này, ông Lê Xuân Thân - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho biết:

- Qua giám sát, đoàn nhận thấy công tác BVMT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể: Việc chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở sản xuất trong và ngoài KCN-CCN trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt; các cơ sở sản xuất đã lập và được phê duyệt hồ sơ môi trường; xây dựng công trình xử lý khí thải, nước thải trước khi đi vào vận hành chính thức; chất thải rắn phát sinh được thu gom xử lý theo quy định.

 


Các cơ sở chăn nuôi có quy mô trung bình trở lên đều nằm xa khu dân cư, có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm hoặc có hệ thống biogas để xử lý nước thải.  Chất thải rắn sinh hoạt về cơ bản được thu gom, xử lý đúng quy định bởi các đơn vị dịch vụ, các đội thu gom rác thải; tại một số địa phương, người dân tự chôn lấp, tiêu hủy tại nhà. Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ vi sóng cơ bản đã được lắp đặt hoàn thiện tại 4 bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Chất thải rắn công nghiệp được phân loại tại nguồn và được thu gom để vận chuyển, xử lý; một số cơ sở thực hiện tái chế hoặc tự xử lý; chất thải rắn nguy hại được các đơn vị có chức năng ngoài tỉnh thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.


Việc triển khai di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được thực hiện theo lộ trình, có chính sách hỗ trợ kinh phí di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công; cơ sở xay xát gạo; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm).


Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT được các sở, ngành triển khai thực hiện. Phần lớn đơn thư khiếu nại về môi trường được xử lý dứt điểm, được sự đồng thuận của người dân. Các cơ quan chức năng đã hoàn thành xử lý triệt để 4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Công tác xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực môi trường đã được quan tâm. Bộ máy làm công tác BVMT từ cấp tỉnh đến cấp xã từng bước được kiện toàn; nguồn chi của ngân sách tỉnh cho công tác BVMT được đảm bảo.


- Xin ông cho biết những vấn đề còn tồn tại trong việc thực thi chính sách về môi trường trên địa bàn tỉnh?


- Công tác quy hoạch và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường còn bộc lộ một số hạn chế trong quá trình triển khai, nhất là thẩm định hồ sơ môi trường. Công tác này chưa dự báo hết được các tác động đến môi trường, xu thế phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực; một số nội dung quy hoạch chỉ mang tính ngắn hạn dẫn đến phải điều chỉnh dự án gây lãng phí ngân sách (như đối với các dự án nạo vét, các dự án tại khu vực nhạy cảm, các bãi rác, khu xử lý chất thải...). Điều này dẫn đến tình trạng các bãi xử lý chất thải ở cấp huyện còn hạn chế về quy mô, số lượng địa điểm, bị quá tải... Đồng thời, số lượng bãi rác hợp vệ sinh còn ít, công suất xử lý của bãi rác và lò đốt không đảm bảo; việc xử lý rác không đúng quy trình, hiệu quả xử lý nước rỉ rác không cao, mùi hôi đậm đặc gây ô nhiễm vượt ra phạm vi bãi rác.


Bên cạnh đó, việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu nội thị, thành phố, khu dân cư còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí và địa điểm tiếp nhận. Kinh phí hỗ trợ để di dời các cơ sở sản xuất ngoài công lập gây ô nhiễm môi trường vào các KCN-CCN lớn trong khi ngân sách của tỉnh có giới hạn. Ngoài ra, quỹ đất tại một số KCN-CCN hình thành trên địa bàn tỉnh đã được lấp đầy; số KCN-CCN còn lại đã được phê duyệt theo quy hoạch nhưng đến nay chưa đầu tư cơ sở hạ tầng nên chưa thể tiếp nhận các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời.


Công tác tuyên truyền về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT và việc kiểm tra, xử phạt vẫn chưa được triển khai thường xuyên, số lượng quyết định xử phạt vi phạm hành chính và mức xử phạt còn thấp so với thực trạng và hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Công tác xã hội hóa về lĩnh vực BVMT dù được quan tâm nhưng vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư; các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa còn ít. Công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ và đồng bộ; việc phối hợp trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách, biện pháp, giải pháp chưa đạt hiệu quả cao; việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu và kết quả điều tra giữa các ngành chưa kịp thời, chưa đầy đủ.


- Đoàn giám sát có kiến nghị gì đối với UBND tỉnh để BVMT tốt hơn, thưa ông?


- Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quan tâm ưu tiên bố trí quỹ đất cho cấp huyện quy hoạch các bãi xử lý chất thải, các dự án về BVMT, các dự án thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều yếu tố gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư. Việc điều chỉnh quy hoạch cần phải tính đến nguồn lực, mang tính lâu dài, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước mắt, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng tại các KCN-CCN để thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường…


Để giải quyết bức xúc về xử lý rác thải tại một số địa phương, cần lập phương án nhân rộng mô hình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt có công suất nhỏ với mật độ 1 lò đốt/2 - 3 xã.


Ngoài các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường, UBND tỉnh nghiên cứu, trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành chính sách xã hội hóa mang tính đặc thù của tỉnh đủ sức thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy vai trò chủ động và tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.


Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và triển khai thực hiện nghiêm việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định pháp luật.


- Xin cảm ơn ông!


X.T (Thực hiện)