11:04, 01/04/2016

Ngày 2-4, Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước

Ngày 1-4, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Ngày 1-4, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.


Trong phiên thảo luận về KT-XH có tổng số 49 đại biểu phát biểu, với những ý kiến sâu sắc, thẳng thắn đánh giá những điểm được, chưa được, phân tích nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, đồng thời gửi gắm kỳ vọng vào khóa tới sẽ khắc phục được những yếu kém, đưa đất nước phát triển nhanh hơn.


Các ý kiến bày tỏ sự đồng tình cao với những nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ KT-XH do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc của kỳ họp.


Những nội dung được nhiều đại biểu đề cập và mong muốn QH, Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới đó là: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường đầu tư; bảo vệ chủ quyền biển, đảo.


Đặc biệt, lần đầu tiên, buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị đưa nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành một chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tới.


Với kỳ vọng QH và Chính phủ khóa XIV sẽ là QH và Chính phủ của hành động các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân; ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; cải cách hành chính, xây dựng văn hóa công vụ; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;…


Trong phiên làm việc sáng 2-4, QH sẽ tiến hành các thủ tục bầu Chủ tịch nước.


Theo quy trình, Ủy ban Thường vụ QH sẽ báo cáo QH kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu QH và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước đối với ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, người được đề cử đảm nhận chức danh này.


Sau khi thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, QH tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố.


Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước QH và quốc dân theo quy định của Hiến pháp 2013.


Trước đó, trong phiên làm việc chiều 31-3, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Ủy ban Thường vụ QH đọc Tờ trình danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch nước. Theo đó, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an được giới thiệu giữ chức vụ Chủ tịch nước thay ông Trương Tấn Sang vừa được QH miễn nhiệm.


T.A (Tổng hợp)