11:12, 27/12/2015

Tham mưu hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng

Ngày 5-1-1966, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 133 về việc thành lập Ban Pháp chế của Trung ương Đảng, tiền thân của Ban Nội chính Trung ương. Kể từ khi thành lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương nói riêng và ngành Nội chính Đảng nói chung đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với 2 lần thay đổi tên gọi.

. Ông Nguyễn Xuân Hà - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa


- Xin ông cho biết đôi nét về truyền thống ngành Nội chính Đảng?


- Ngày 5-1-1966, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 133 về việc thành lập Ban Pháp chế của Trung ương Đảng, tiền thân của Ban Nội chính Trung ương. Kể từ khi thành lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương nói riêng và ngành Nội chính Đảng nói chung đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với 2 lần thay đổi tên gọi. 50 năm qua, tuy chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ngành Nội chính Đảng có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhưng ngành Nội chính Đảng không ngừng trưởng thành và phát triển.

 

Tại Khánh Hòa, quá trình xây dựng và phát triển của Ban Nội chính Tỉnh ủy đã trải qua 2 lần giải thể, sáp nhập và tái thành lập cho đến nay. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, cán bộ, công chức của các cơ quan nội chính Đảng của Tỉnh ủy luôn hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính.


Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Kết luận 21 ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định tái thành lập Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh, thành phố là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Thực hiện Quy định 183 ngày 8-4-2013 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy. Ngày 3-7-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 735 thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy và Quy định số 16 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Tỉnh ủy. Ngày 1-8-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa.


- Xin ông cho biết những kết quả hoạt động nổi bật của Ban Nội chính Tỉnh ủy sau hơn 2 năm tái thành lập?


- Trong điều kiện mới thành lập, biên chế còn ít nhưng tập thể cán bộ, công nhân viên Ban Nội chính Tỉnh ủy đã nỗ lực thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

 

Đồng chí Lê Thanh Quang -  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo tại lễ công bố quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy, tháng 8-2013
Ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo tại lễ công bố quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy, tháng 8-2013


Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 5 quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh và Thanh tra tỉnh về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Thông qua thực hiện quy chế để phát huy vai trò của ban nội chính và các cơ quan chức năng tăng cường trao đổi, phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác nội chính, nhất là tham mưu chỉ đạo thanh tra vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tiêu cực, tham nhũng.


Qua hơn 2 năm hoạt động, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của các ban, ngành có liên quan, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã cơ bản triển khai đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ được giao. Trong đó, công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất được triển khai tương đối có hiệu quả, góp phần tích cực trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Ban đã chủ trì và phối hợp tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy ban hành hơn 50 văn bản về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu xây dựng và triển khai chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng. Ban cũng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định một số vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đưa vào danh sách theo dõi, chỉ đạo; phối hợp với các ngành theo dõi, đôn đốc, giám sát các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo. Công tác hướng dẫn, kiểm tra được chú trọng triển khai và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần cảnh tỉnh, răn đe và chấn chỉnh vi phạm. Công tác theo dõi tham mưu về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng từng bước đi vào nề nếp.


- Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Theo ông, cần làm gì để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới?


- Quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Nội chính Tỉnh ủy làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy rà soát quy chế làm việc để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định về công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị ngày 7-12-2015 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; tổ chức thực hiện tốt Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015 - 2020.


Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng; thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa theo quy định; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội để phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận, đoàn thể chính trị và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và định hướng đúng đắn dư luận, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.


- Xin cảm ơn ông!

 


K.N (Thực hiện)