09:05, 14/05/2015

Điểm mới nổi bật của một số Luật chuẩn bị có hiệu lực

Từ ngày 1-7-2015, hàng loạt Luật mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực. Báo Khánh Hòa xin giới thiệu sơ lược về những điểm mới nổi bật của các Luật này.

Từ ngày 1-7-2015, hàng loạt Luật mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực. Báo Khánh Hòa xin giới thiệu sơ lược về những điểm mới nổi bật của các Luật này.


Ngày 9-12-2014, Chủ tịch nước ký lệnh 33/2014/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân 2014. Luật có những điểm nổi bật sau:


- Học sinh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được phong cấp bậc hàm cao hơn một bậc.


- Hạn định số lượng cấp Tướng, cụ thể:


+ Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;


+ Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng thứ trưởng có hàm thượng tướng không quá 6);


+ Trung tướng, thiếu tướng: được quy định tại điểm c, d, Khoản 1, Điều 24. Trong đó quy định cụ thể chức danh nào thì được phong tướng. Đáng lưu ý là chỉ giám đốc Công an Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể lên cấp trung tướng. Cấp hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh là đại tá trừ cấp phó Công an Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là thiếu tướng nhưng không quá 3 người.


- Thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm; sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng không quá 57 tuổi; trừ trường hợp có yêu cầu của Chủ tịch nước.


- Quy định cụ thể cấp bậc hàm của sĩ quan Công an nhân dân biệt phái.


Ngày 27-11-2014, Quốc hội đã thông qua Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014. Theo đó điểm nổi bật là quy định trình tự, thủ tục phong, thăng, giáng, tước quân hàm đối với sĩ quan:


- Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc Hải quân.


- Việc thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng của sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.


- Đối với sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương sĩ quan: trình tự, thủ tục phong, thăng, giáng, tước do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.


Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như:


- Được ưu đãi về tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất hoặc nâng cao chất lượng đào tạo; ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật về thuế...


- Tham gia chương trình bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong nước và nước ngoài bằng kinh phí từ ngân sách Nhà nước.


- Hỗ trợ đầu tư bảo đảm các điều kiện để tiếp nhận học sinh phổ thông dân tộc nội trú khi ra trường vào học nghề.


- Hỗ trợ phát triển đào tạo các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu học tập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.


Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật còn được hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; được giao đất, cho thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học của người khuyết tật.


Ngày 26-11-2014, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Những nội dung nổi bật của Luật là:


- Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được quyền bảo lãnh cho công ty con vay vốn tại tổ chức tín dụng theo nguyên tắc:


+Tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay không vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu của công ty con do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ;


+ Tương tự không vượt quá giá trị vốn góp thực tế của DNNN tại thời điểm bảo lãnh vốn đối với công ty con do DN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.


- Đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý DN.


Ngoài ra, thù lao của người quản lý DN không chuyên trách dựa vào công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý DN chuyên trách.


Luật Đầu tư 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 26-11-2014 có những điểm mới nổi bật là:


- Quy định thêm các đối tượng ưu đãi đầu tư: dự án có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, dự án đầu tư tại vùng nông thôn có sử dụng từ 500 lao động trở lên...


- Bổ sung ngành, nghề ưu đãi đầu tư mới: sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên; sản phẩm tiết kiệm năng lượng; quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô...


- Quy định cụ thể các ngành, nghề ưu đãi như thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải (trước đây là lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái); giáo dục mầm non, phổ thông, nghề nghiệp (trước đây là phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo).


Điểm mới đáng chú ý của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2014 là:


- Người phải thi hành án có quyền ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án.


- Mở rộng thẩm quyền thi hành án của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.


- Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án (quy định trước đây là 15 ngày).


Ngoài ra, còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác như: Thay đổi điều kiện xét miễn, giảm thi hành án dân sự; tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự...


Ngày 21-11-2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng như:


- Phí, lệ phí và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.


- Giá dịch vụ vận chuyển hàng không.


- Vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ.


- Tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, khai thác tàu bay.


- Kiểm tra, soi chiếu, giám sát, lục soát an ninh hàng không đối với chuyến bay.


LÊ MINH