09:11, 05/11/2013

Sự kiện chính trị - pháp lý năm 2013

Vừa qua, sự kiện chính trị - pháp lý được dư luận đặc biệt quan tâm là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là DTSĐHP) đã được trình Quốc hội (QH) ngày 22-10. Theo đánh giá của nhiều đại biểu QH và cử tri cả nước, DTSĐHP đã tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý của đại biểu QH và nhân dân.

Vừa qua, sự kiện chính trị - pháp lý được dư luận đặc biệt quan tâm là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là DTSĐHP) đã được trình Quốc hội (QH) ngày 22-10. Theo đánh giá của nhiều đại biểu QH và cử tri cả nước, DTSĐHP đã tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý của đại biểu QH và nhân dân.


Sửa đổi Hiến pháp năm 1992


Hiến pháp năm 1992 được ban hành để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, đến nay, cần có một bản hiến pháp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành.


Ngày 29-10-2012, tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XIII, Ủy ban DTSĐHP đã trình bày Tờ trình về DTSĐHP và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về DTSĐHP. Tờ trình xác định 9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở cụ thể hóa 9 nội dung này, DTSĐHP sau khi tiếp thu, chỉnh lý trình QH tại kỳ họp thứ 6 này gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với DTSĐHP trình QH tại kỳ họp thứ 5 và giảm 1 chương, 27 điều so với Hiến pháp năm 1992).


Chương I được xây dựng trên cơ sở viết gọn lại tên Chương I của Hiến pháp năm 1992 thành “Chế độ chính trị”, đồng thời đưa các quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh của Chương XI (Hiến pháp năm 1992) vào Chương I vì đây là những nội dung quan trọng gắn liền với chế độ chính trị của quốc gia. Chương II được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp năm 1992 thành Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Chương III được xây dựng trên cơ sở lồng ghép Chương II - Chế độ kinh tế và Chương III - Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Hiến pháp năm 1992 thành Chương “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường”, nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Chương VIII được đổi vị trí từ Chương X - Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân của Hiến pháp năm 1992 thành Chương “Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân” để thể hiện sự gắn kết giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chương IX - Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của Hiến pháp năm 1992 được đổi tên thành Chương “Chính quyền địa phương”. Chương X là chương mới, quy định về các thiết chế hiến định độc lập gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.


Đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng


Ngày 2-1-2013, DTSĐHP đã chính thức được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân đồng bộ, dân chủ, rộng khắp, đúng tiến độ. Tính đến ngày 17-5-2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về DTSĐHP với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Hầu hết ý kiến nhất trí với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Từ ngày 1-5-2013 đến 30-9-2013, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài tiếp tục đóng góp ý kiến vào DTSĐHP. Tại kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII, bản tổng hợp ý kiến nhân dân về DTSĐHP (từ ngày 2-1-2013 đến 30-4-2013) dày 809 trang đã được gửi đến các đại biểu QH. Báo cáo dày 110 trang do Ủy ban DTSĐHP tổng hợp cũng đã gửi các đại biểu QH tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII.


Dự thảo trình QH lần này đã được chỉnh lý hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân, bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo đã khẳng định và làm rõ hơn bản chất của chế độ ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.


Theo ý kiến của đại đa số đại biểu QH và đông đảo cử tri, thời điểm thông qua DTSĐHP tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII đã chín muồi. DTSĐHP đã được soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân và chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Hiến pháp sửa đổi khi được ban hành sẽ làm cơ sở để Nhà nước ta đưa ra các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại phù hợp, góp phần tạo động lực cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.


Dự kiến, ngày 18-11, Ủy ban DTSĐHP sẽ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH thảo luận ở tổ, ở hội trường và chỉnh lý DTSĐHP, dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Sau đó, QH thảo luận ở hội trường về việc chỉnh lý DTSĐHP. Và trong phiên họp được truyền hình trực tiếp sáng 28-11, QH sẽ biểu quyết thông qua DTSĐHP.


N.V (Tổng hợp)