04:11, 03/11/2013

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 28-10 – 1-11-2013

Tích cực điều hành tăng trưởng tín dụng; làm rõ thông tin lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ; tổ chức kỷ niệm 7 ngày lễ lớn trong nước... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 28-10 – 1-11-2013.

Tích cực điều hành tăng trưởng tín dụng; làm rõ thông tin lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ; tổ chức kỷ niệm 7 ngày lễ lớn trong nước... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 28-10 – 1-11-2013.


Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ động thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.


Bên cạnh đó, tích cực điều hành tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy hỗ trợ sản xuất kinh doanh; xử lý nợ xấu có hiệu quả thực chất; duy trì ổn định tỷ giá ngoại tệ và thị trường vàng.


Bộ Y tế chỉ đạo, tăng cường kiểm tra chất lượng, quản lý chặt chẽ hoạt động của các phòng khám tư nhân, kiểm soát chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao y đức người thầy thuốc.


Về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai năm 2013, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương khẩn trương triển khai hỗ trợ kịp thời giống và lương thực từ nguồn dự trữ quốc gia để nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng và có nguy cơ bị vỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp xử lý, bảo đảm an toàn theo quy định. Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương rà soát các công trình hồ chứa thủy điện, có giải pháp xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn hồ chứa theo quy định.


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét xử lý các kiến nghị, thực hiện chính sách khoanh nợ, cho vay tiếp đối với các hộ trồng cao su bị thiệt hại nặng, các hộ ngư dân có tàu thuyền đánh cá bị hư hỏng nặng trong các cơn bão, lũ vừa qua.


Tạo phong trào toàn xã hội chăm sóc người có công


Tại Chỉ thị về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức rà soát đối tượng người có công thuộc phạm vi quản lý để cung cấp số liệu và phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.


Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai chương trình tuyên truyền về các chính sách đối với người có công với cách mạng, giới thiệu các điển hình người có công vượt khó, đóng góp vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương, kết quả thực hiện chính sách người có công ở các địa phương, nhu cầu khắc phục chậm trễ, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách người có công; góp phần tạo phong trào toàn xã hội chăm sóc người có công, thiết thực kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công tại địa phương; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triển khai thực hiện đúng thời hạn, chính xác và có hiệu quả Chương trình này; báo cáo kết quả tổng rà soát người có công với cách mạng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước cho HĐND cùng cấp vào tháng 10-2015.


Làm rõ thông tin lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ


Trong các ngày từ 24 đến 25-10-2013, Đài Truyền hình Việt Nam và một số báo đưa tin về hành vi lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ để trục lợi.


Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương làm rõ những thông tin báo chí nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có).


2 trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo


Nghị định quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo được áp dụng đối với người học được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước (bao gồm cả chương trình giáo dục theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam); người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo các Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Theo Nghị định, có 2 trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo:


Thứ nhất, người học nêu trên không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp. Trường hợp sau khi tốt nghiệp, nếu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục học tập, thì thời hạn 12 tháng tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp khóa học tiếp theo.


Thứ hai, người học chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định mà tự ý bỏ việc.


Tổ chức kỷ niệm 7 ngày lễ lớn trong nước


Theo Nghị định quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài,  có 7 ngày lễ lớn trong nước gồm: 1- Ngày Tết Nguyên đán (1 tháng Giêng Âm lịch); 2- Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930); 3- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch); 4- Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); 5- Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954); 6- Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890); 7- Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945).


Việc tổ chức ngày kỷ niệm; trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua phải bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức; có ý nghĩa tôn vinh sự kiện, tôn vinh tập thể và cá nhân.


Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cao tốc Nội Bài-Lào Cai


Để đảm bảo hoàn thành Dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai tập trung giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời công trình công cộng và chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết các thắc mắc, cản trở thi công của người dân.


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên chỉ đạo khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc cụ thể nêu trên, bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 11 tới; đồng thời có biện pháp ngăn ngừa tình trạng tái lấn chiếm đối với những vị trí đã bàn giao mặt bằng.


Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình.


Phạt nặng việc tung tin sai uy hiếp tàu bay đang bay


Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với cá nhân tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học hoặc các thông tin khác có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay, người trên tàu bay đang bay.


Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi: Xâm nhập trái phép vào tàu bay; hành hung thành viên tổ bay, hành khách trên tàu bay; đưa công cụ hỗ trợ, chất dễ cháy, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay trái quy định.


Đối với cá nhân có hành vi: Phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay; tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.


Phạt đến 100 triệu đồng nếu đào tạo nghề mà chưa đăng ký hoạt động dạy nghề


Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực dạy nghề đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.


Trong đó, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đồng đối với hành vi không đăng ký hoạt động dạy nghề thuộc một trong các trường hợp: Bổ sung nghề đào tạo, trình độ đào tạo; chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất cơ sở dạy nghề; thay đổi cơ quan chủ quản, chủ đầu tư của cơ sở dạy nghề; chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo đến nơi khác; thành lập phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo mới; liên kết với tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động dạy nghề.


Phạt tiền đối với hành vi tổ chức đào tạo nghề mà chưa đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan có thẩm quyền với một trong các mức: Từ 40-60 triệu đồng đối với trình độ sơ cấp nghề; từ 60-80 triệu đồng đối với trình độ trung cấp nghề; từ 80-100 triệu đồng đối với trình độ cao đẳng nghề.


Xả nước thải trái phép phạt đến 500 triệu đồng


Theo Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, vi phạm quy định về hồ chứa, hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép sẽ bị phạt từ 30-250 triệu đồng. Trong đó, mức phạt cao nhất (từ 220-250 triệu đồng) áp dụng đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000m3/ngày đêm trở lên; hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 300.000m3/ngày đêm.


Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.


Ngoài ra, các đối tượng vi phạm còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước trong trường hợp hành vi vi phạm gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng nguồn nước.


Cũng theo Nghị định, hành vi xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác; hành vi xả khí độc hại trực tiếp vào nguồn nước cũng bị phạt mức cao nhất là 220-250 triệu đồng đối với cá nhân, 440-500 triệu đồng đối với tổ chức.


Lợi dụng người khuyết tật để trục lợi bị phạt đến 15 triệu đồng


Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật; cản trở quyền nuôi con của người khuyết tật; cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật.


Đối với một trong các hành vi: Xâm phạm thân thể của người khuyết tật; xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khuyết tật; xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật thì sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.


Phạt tiền từ 10-15 triệu  đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.


Tập trung triệt xóa tận gốc các băng, nhóm tội phạm


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP. Hà Nội tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và dịp Tết Nguyên đán 2014; đồng thời, tập trung điều tra khám phá, triệt xóa tận gốc các băng, nhóm tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động theo kiểu ”xã hội đen”.


Đồng thời, Thành phố phải huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tầng lớp nhân dân vào công tác phòng, chống tội phạm; quan tâm giúp đỡ người đã chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; tiếp tục đổi mới và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm.


Xây dựng lực lượng Công an Thành phố trong sạch, vững mạnh, có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cao để tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt, tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố chỉ đạo và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.


Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nơi nào để tình hình tội phạm phức tạp kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng cơ quan Công an phải chịu trách nhiệm; kiên quyết không để diễn ra tình trạng buông lỏng, thiếu trách nhiệm, bảo kê, dung túng, tiếp tay cho tội phạm; nghiêm cấm hành vi can thiệp, bao che, bỏ lọt tội phạm.


Thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm thiểu TNGT


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đã có Công điện yêu cầu Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.


Ủy ban ATGTQG đã yêu cầu Trưởng ban ATGT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông nhằm đẩy mạnh công tác tuần tra lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông như việc chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định (cả đường bộ và đường thủy)…


Bên cạnh đó, Ban ATGT các tỉnh phải tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách, tổ chức kiểm tra an toàn trước khi phương tiện xuất bến. Đối với giao thông đường thủy phải tích cực kiểm tra, giám sát hoạt động chở khách, kiên quyết đình chỉ ngay phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phương tiện chở quá số người quy định hoặc người không đủ điều kiện quy định để điều khiển phương tiện, không đủ thiết bị cứu sinh.


Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường trước 10-11


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo UBND cấp dưới rà soát lại quy trình và phương pháp quản lý, trên tinh thần huy động sự tham gia tích cực của các cấp xã, phường, không tạo sơ hở để các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân làm trái pháp luật; đồng thời, xử lý nghiêm, buộc ngừng hoạt động đối với những trường hợp không đủ điều kiện hành nghề.


UBND thành phố Hà Nội phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những vi phạm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong vụ việc ở Thẩm mỹ viện Cát Tường trước ngày 10-11 tới.


Cũng liên quan đến vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, Phó Thủ tướng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai tổ chức sinh hoạt rộng rãi trong toàn Bệnh viện để lên án hành động của cá nhân bác sỹ ở Thẩm mỹ viện Cát Tường; yêu cầu toàn bộ bác sĩ, y tá, nhân viên y tế trong bệnh viện khi tham gia hành nghề ở các cơ sở y tế tư nhân phải có văn bản cam kết hành nghề theo đúng quy định của pháp luật và đúng đạo đức nghề nghiệp gửi Giám đốc Bệnh viện.


Bên cạnh đó rà soát, chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý công chức, viên chức, nhân viên của Bệnh viện để đảm bảo các nhân viên y tế phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với bệnh nhân.


Bệnh viện cần tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra và hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nạn nhân.


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở y tế tư nhân nói chung, nhất là các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ theo đúng quy định hiện hành.


Đồng thời khẩn trương rà soát các quy định có liên quan, kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Chủ động và tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân và các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Tăng cường tập huấn về quy tắc ứng xử nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế trên toàn quốc.


Đối với UBND các tỉnh TP trực thuộc Trung ương, cần đề cao trách nhiệm quản lý địa bàn, trực tiếp và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp dưới tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân và các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đóng trên địa bàn; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.


Theo chinhphu.vn