08:10, 09/10/2013

Nhớ người chiến sĩ danh dự Mặt trận 23 tháng 10

Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã làm quặn thắt nỗi lòng của người dân Việt Nam. Những ngày này, người Khánh Hòa lại nhớ về Đại tướng với những kỷ niệm khó quên, nhất là chuyến đi lịch sử vào thị sát Mặt trận Nha Trang đầu năm 1946.

Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã làm quặn thắt nỗi lòng của người dân Việt Nam. Những ngày này, người Khánh Hòa lại nhớ về Đại tướng với những kỷ niệm khó quên, nhất là chuyến đi lịch sử vào thị sát Mặt trận Nha Trang đầu năm 1946.

 

Vị tướng trong lòng các cựu binh

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và luật sư Phan Anh tại đình Xuân Hòa, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa vào đầu năm 1946.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên trái) và luật sư Phan Anh tại đình Xuân Hòa, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa vào đầu năm 1946.

 

Suốt mấy ngày qua, từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, những chiến sĩ Mặt trận 23 tháng 10 Nha Trang - Khánh Hòa lòng quặn thắt nỗi tiếc thương vô hạn. Đọc báo, xem ti vi thấy người dân cả nước hướng về Đại tướng, những người lính mái đầu bạc trắng lại rưng rưng nước mắt. Sáng 8-10, một số cựu binh đã tập trung dưới chân tượng đài 23 tháng 10 để ôn lại những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã đến Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày đầu kháng chiến. Đại tá Đỗ Anh Tịnh - nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Hải quân (nay là Học viện Hải quân), chiến sĩ Mặt trận 23 tháng 10 bồi hồi nhớ lại: “Khoảng cuối giờ chiều 21-1-1946, sau một ngày đánh trả những đợt tấn công của quân Pháp, chúng tôi đang củng cố lại công sự ở phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng thì tổ trinh sát đến thông báo có phái đoàn của Chính phủ đến kiểm tra mặt trận. Theo lệnh chỉ huy, tất cả chiến sĩ về đúng vị trí của mình, các vọng gác tăng cường cảnh giới. Khi phái đoàn đến, chúng tôi chú ý ngay đến người mặc âu phục tuổi ngoài 30, người tầm thước, khuôn mặt rất sáng, trước ngực đeo ống nhòm đang hỏi chuyện các cán bộ chỉ huy... Người chỉ huy giới thiệu đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được Hồ Chủ tịch cử vào xem xét chiến trường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ ngay dưới giao thông hào. Người nói: “Bác Hồ đã dặn tôi phải nhớ chuyển lời thăm hỏi của Người tới đồng bào và chiến sĩ, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng miền Nam”. Nghe đến đây, chúng tôi không kìm được xúc động nên đều bật lên hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm...”. Theo trí nhớ của những cựu binh 23 tháng 10, khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi theo giao thông hào khắp phòng tuyến, hỏi chuyện các chiến sĩ. Ở những điểm hỏa lực, đồng chí đã chui vào hầm quan sát, chỉ dẫn cho chiến sĩ các vật chuẩn bên phía địch... Đặc biệt, Đại tướng đã hỏi nhiều về tình hình ăn uống, sinh hoạt, cách đánh cũng như trang bị vũ khí của từng người... Đại tướng chỉ đến phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng khoảng một giờ đồng hồ nhưng trong lòng tôi vẫn ghi nhớ mãi. Trong những ngày chiến đấu ác liệt sau đó, chúng tôi đều có cảm giác như Người vẫn đang cùng chúng tôi trên trận tuyến; bên tai còn nghe lời Bác thăm hỏi động viên đồng bào chiến sĩ ở Nha Trang - Khánh Hòa”, ông Tịnh bày tỏ.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thiếu nhi tặng hoa trong chuyến thăm Khánh Hòa năm 1993.

 

1
Các chiến sĩ mặt trận 23 tháng 10 kể chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho thế hệ trẻ.

 

Những người lính 23 tháng 10 luôn nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người đứng đầu quân đội Việt Nam, một anh hùng dân tộc, mà còn bởi Đại tướng đã có những quyết định trực tiếp liên quan đến sinh mạng của họ. Sau chuyến đi kiểm tra mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo điều chỉnh sự bố trí lực lượng và thay đổi phương thức tác chiến theo hướng rút bộ phận chủ lực ra ngoài, chỉ để bộ phận nhỏ bám địch; tổ chức các đơn vị cơ động đánh địch bằng hình thức tập kích, phục kích, tiêu hao sinh lực địch; tổ chức làng xã chiến đấu, tạo nên thế trận lòng dân đánh giặc, chủ động xây dựng căn cứ ở Đồng Trăng để chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Ông Trần Tô - Trưởng Ban liên lạc 23 tháng 10 Khánh Hòa xúc động nói: “Nhờ có quyết định sáng suốt của Đại tướng nên chúng tôi mới còn sống đến hôm nay. Nếu ngày ấy, chúng ta cứ lập phòng tuyến, bám lấy phòng tuyến để đối đầu với địch thì tổn thất sẽ nhiều vô kể... Cái ơn của Đại tướng thật lớn lao”.


Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhắc về việc đã đến Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy. Năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vào thăm lại xứ Trầm Hương. Đại tá Đỗ Anh Tịnh nhớ lại: “Gặp lại Đại tướng, chúng tôi vui mừng khôn xiết. Đại tướng ôm hôn từng người rất chặt, trò chuyện rất gần gũi làm chúng tôi có cảm tưởng như đón người anh cả đi xa lâu ngày mới về. Lần ấy, Đại tướng đã đi thăm lại những nơi người từng đặt chân đến như: Thành cổ Diên Khánh, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, thăm một số địa danh, khu vực chiến đấu những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, Đại tướng cũng đã có thư gửi thăm. Trong thư, Đại tướng nhắc lại sự anh dũng, kiên  cường, hy sinh dũng cảm của chiến sĩ và đồng bào ở Mặt trận Nha Trang những ngày đầu kháng chiến chống Pháp mà người đã tận mắt chứng kiến. Đại tướng viết: “Những ngày chiến đấu vô cùng gay go nhưng rất đỗi hào hùng ấy đã để lại những hình ảnh tuyệt đẹp trong lịch sử kháng chiến của cả dân tộc. Đó là vinh dự, niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân Nha Trang - Khánh Hòa...”. Năm 2003, Khánh Hòa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng cũng gửi thư chúc mừng. Trong suốt mấy mươi năm, mỗi khi các chiến sĩ 23 tháng 10 đến thăm, Đại tướng đều đón tiếp rất chân tình. Năm 2010, đoàn đại biểu chiến sĩ 23 tháng 10 ra Hà Nội đã đến thăm Đại tướng, nhưng khi ấy, Đại tướng đang nằm tại Viện Quân y 108 nên chỉ gặp được phu nhân Đặng Bích Hà.


Giản dị trong từng câu nói, tiếng cười


Ngoài các cựu binh 23 tháng 10, ở Khánh Hòa, nhiều văn nghệ sĩ có vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhắc đến Đại tướng, mỗi người đều luôn bày tỏ niềm kính trọng, tiếc thương vô hạn. Nhà báo Trần Chấn Uy, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa cho biết, năm 1993, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm lại Khánh Hòa, anh đã theo sát hành trình của Đại tướng để làm phim “Tướng Giáp trở lại chiến trường xưa”. Anh kể: “Trước mắt chúng tôi, vị tướng lừng danh thế giới lại giản dị đến lạ thường. Người luôn vui vẻ tươi cười với mọi người. Điều mà cánh làm báo chúng tôi ấn tượng là Đại tướng có trí nhớ rất tuyệt vời, mấy mươi năm đã trôi qua nhưng người vẫn nhớ như in về tình hình chiến sự của Mặt trận 23 tháng 10 Nha Trang, cách bố phòng quân sự của 2 bên, về những nơi ông đã đi qua...”. 2 năm sau, nhà báo Trần Chấn Uy cùng đạo diễn Hồ Hồng Sơn (cố Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa), nhà văn Hoàng Nhật Tuyên, quay phim Đỗ Cho... ra Hà Nội phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp để làm phim “Khánh Hòa những ngày đầu kháng chiến”. Nhà báo Trần Chấn Uy nhớ lại: “Khi đến nhà Đại tướng, cả đoàn ai cũng ngạc nhiên bởi cuộc sống của Đại tướng rất giản dị. Trong phòng khách của Đại tướng có tượng Bác Hồ, xung quanh là các tủ sách, bàn ghế là đồ gỗ bình thường... Sau vài phút chờ đợi, Đại tướng xuất hiện và bắt tay từng thành viên trong đoàn. Bàn tay của Đại tướng rất mềm và ấm làm tôi có cảm giác như người ông cầm tay người cháu vậy”. Ở lần gặp này, những người trong đoàn làm phim lại thêm một lần nữa khâm phục trí nhớ tuyệt vời của Đại tướng và cách nói gãy gọn đầy sức thuyết phục từng được báo giới trong nước ngợi ca. Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên nhớ lại: “Đại tướng trò chuyện rất cuốn hút. Người nhắc đến các địa danh Nha Trang như thuộc trong lòng bàn tay... Theo Đại tướng, cuộc chiến đấu với Pháp ở mặt trận Nha Trang có ý nghĩa rất lớn, đã giúp quân ta có kinh nghiệm khi đánh Pháp ở thủ đô Hà Nội và các thành phố khác...”. Kỷ niệm làm các thành viên trong đoàn nhớ mãi là khi ra về, Đại tướng nói: “Các cháu từ Nha Trang khó khăn lắm mới ra được Hà Nội” nên chụp ảnh chung với cả nhóm làm phim và chụp riêng với từng người.

 

Với bà Nguyễn Thị Kim Anh (chung cư B Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang), lần biểu diễn phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà khách T78 (44 Trần Phú, TP. Nha Trang) là kỷ niệm đáng nhớ nhất đời nghệ sĩ. Nghệ sĩ Kim Anh kể: “Lần đầu gặp Đại tướng, tôi rất run. Sau khi biểu diễn các bài độc tấu đàn t’rưng, đàn tam thập lục, tôi độc tấu đàn đá bản nhạc “Lửa cháy lên rồi” (bản nhạc về tinh thần cách mạng của đồng bào Tây Nguyên) để giới thiệu với Đại tướng một di sản âm nhạc của cha ông. Sau khi kết thúc bản nhạc, Đại tướng có đến gần hỏi chuyện về cách đánh đàn, các thang âm..., rồi bất ngờ tấu lên những giai điệu hùng tráng của bản nhạc “Giải phóng miền Nam” trong sự ngỡ ngàng của mọi người, bởi không ai nghĩ Đại tướng có thể chơi đàn. Tiếng vỗ tay cổ vũ của mọi người không ngớt”. Cho đến bây giờ, nghệ sĩ Kim Anh vẫn giữ bức ảnh Đại tướng chơi đàn đá. Từ hôm Đại tướng từ trần, nghệ sĩ Kim Anh đã mấy lần giở tấm ảnh cũ ra xem mà không cầm được nước mắt...


“Quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa bây giờ và sau này vẫn luôn tự hào và nhớ ơn Đại tướng - người đã trực tiếp đến với Khánh Hòa trong những ngày đầy gian khó và hiểm nguy của mặt trận 23 tháng 10”. Lời nói của Đại tá Đỗ Anh Tịnh cũng chính là tấm lòng của người dân xứ Trầm Hương gửi đến hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


XUÂN THÀNH