11:07, 31/07/2013

Công tác tuyên giáo có vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng hiện nay

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền, coi đó là tổ chức quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng.

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền, coi đó là tổ chức quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng. Nhân ngày Quốc tế đỏ 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ mồng 1-8’’, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-Viết. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh và kể cả khi cuộc đấu tranh oanh liệt này bị kẻ thù dìm trong biển máu, những cán bộ tuyên truyền của Đảng vẫn gan góc chiến đấu, đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng công nông, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi ngày mai của Đảng, của dân tộc. Nhiều cán bộ tuyên truyền đã cùng đồng chí, đồng bào biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng, biến nhà máy, hầm mỏ, đồng ruộng, bản làng thành nơi rèn luyện ý chí chiến đấu, nơi gắn kết máu thịt mang tính sống còn giữa Đảng với nhân dân. Truyền thống vẻ vang đó tiếp tục được phát huy cao độ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, động viên toàn Đảng, toàn dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo, giữ vững bờ cõi thiêng liêng, đưa cả nước đi lên CNXH.


Trong suốt 83 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, Đảng ta luôn coi công tác tuyên truyền, cổ động khoa giáo là mặt trận hàng đầu; là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và của chế độ. Năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.


83 năm qua, tuy tên gọi, cơ cấu tổ chức và đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo có những thay đổi, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên trận địa tư tưởng, lý luận, văn hóa, khoa học, giáo dục về cơ bản là thống nhất và xuyên suốt. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo cả nước không ngừng nỗ lực phấn đấu, ngày càng hùng hậu, trưởng thành, vừa hồng vừa chuyên, luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của ngành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với Huân chương Sao Vàng cao quý và nhiều phần thưởng khác mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.


Cùng với ngành Tuyên giáo cả nước, 83 năm qua, ngành Tuyên giáo Khánh Hòa đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quê hương. Trong quá trình xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ Khánh Hòa luôn quan tâm, coi trọng công tác tuyên giáo. Trong Cách mạng Tháng Tám cũng như 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và công cuộc đổi mới hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, công tác tuyên giáo đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương với các hình thức, phương pháp hoạt động linh hoạt, làm tốt công tác động viên, tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc nâng cao nhận thức, củng cố lòng tin vào đường lối đổi mới của Đảng, thống nhất ý chí và hành động, đoàn kết một lòng, chủ động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt, ngành Tuyên giáo đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy triển khai sâu rộng các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) của Đảng, làm cho Đảng bộ và nhân dân nhận thức sâu sắc những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.


Trong giai đoạn mới của cách mạng, công tác tuyên giáo vừa có những thuận lợi cơ bản vừa phải đương đầu với không ít khó khăn, thử thách. Ở trong nước, sự biến đổi mạnh mẽ của cơ cấu giai cấp; sự đa dạng về lợi ích kinh tế; sự chênh lệch trình độ phát triển giữa các vùng, miền; sự phân hóa giàu - nghèo giữa các bộ phận dân cư; sự tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường; sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động... đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tư tưởng, tâm trạng xã hội, đến công tác tuyên giáo. Trước bối cảnh đó, mục tiêu nhiệm vụ của công tác tuyên giáo rất nặng nề, trước mắt là góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới; đưa tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra.


NGUYỄN QUỐC NINH (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)