08:02, 04/02/2013

Cần giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội

Sáng 4-2, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.

Sáng 4-2, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Việc tổ chức Hội nghị này cho thấy, sự cải tiến trong hoạt động của Quốc hội với mong muốn nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quá trình giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và từng đại biểu Quốc hội đối với các ngành, các cấp trong việc triển khai Nghị quyết sẽ phát hiện ra những điểm còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, điều kiện thực tế; đồng thời cũng cho thấy những nơi chưa làm đúng, làm chưa tốt, chưa chủ động tích cực thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình đối với nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị.  Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp mở rộng việc giám sát, kiểm tra, rà soát việc thực hiện, triển khai toàn bộ những chủ trương, quyết sách của Quốc hội khóa XIII từ Kỳ họp thứ 1 đến nay; đánh giá tổng quan, rút kinh nghiệm trong công tác lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng các đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan đầu mối tập trung theo dõi, đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, đã ban hành 7 nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực lập hiến, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Các nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải thực hiện trong năm 2013 và các năm tiếp theo; đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong giám sát việc thực hiện các nghị quyết.

Liên quan đến Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, đảm bảo tiến độ chậm nhất đến ngày 31-3-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến và chậm nhất đến ngày 5-4-2013, phải gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Liên quan đến Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Việc tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành ngay từ kỳ họp đầu tiên trong năm 2013 của Quốc hội và HĐND các cấp. Trong tháng 2-2013, Văn phòng Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hướng dẫn việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lấy phiếu tín nhiệm thành công tốt đẹp.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất những giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị các đại biểu Quốc hội, trong quá trình giám sát, cần đánh giá, phân tích, làm rõ những khó khăn cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương trong việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp vừa qua. Trên cơ sở đó, có báo cáo, kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết.

Đại biểu Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong quá trình giám sát thực hiện nghị quyết về kinh tế - xã hội của Quốc hội, các cơ quan chức năng và đại biểu Quốc hội cần theo dõi, phát hiện những điểm chưa sát hợp với diễn biến thực tiễn để đề xuất giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh bày tỏ quan điểm: Trong năm 2013, cần tập trung hoàn thành hai nội dung rất quan trọng là tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; và lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đánh giá cao việc tăng cường tổ chức hội nghị dưới hình thức trực tuyến, nhưng đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị, Văn phòng Quốc hội phải chuẩn bị kế hoạch và thông báo trước cho các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Quan tâm tới nhiệm vụ giám sát phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho hay, tháng 5 tới, Ủy ban Tư pháp sẽ tổ chức điều trần về phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp tốt; đặc biệt là cung cấp đầy đủ kết luận thanh tra, kiểm toán. “Các đoàn giám sát không nên kết luận chung chung mà phải nêu đích danh chỗ nào làm tốt, chỗ nào chưa tốt. Để làm được điều này rất cần quyết tâm, bản lĩnh của đại biểu Quốc hội” - Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.

Về Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức thảo luận chuyên sâu tại hội nghị đại biểu chuyên trách để lấy ý kiến đóng góp. Cũng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân cần gắn liền với công tác tiếp xúc cử tri.

Quan tâm tới Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chỉ ra thực trạng vẫn còn những đoàn khiếu nại đông người kéo đến Quốc hội để khiếu nại, tố cáo. Theo đại biểu, cần chỉ rõ tỉnh, thành nào làm tốt; tỉnh, thành nào chưa làm tốt và đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cũng phải chịu trách nhiệm trong công tác này.

Theo Báo điện tử ĐCSVN