09:10, 30/10/2012

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012

Nợ xấu, hàng tồn kho là những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội 2012, sáng 30-10.

Nợ xấu, hàng tồn kho là những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội 2012, sáng 30-10.

Các đại biểu đều cho rằng kinh tế - xã hội năm 2012 đã chuyển biến tích cực, đúng hướng khi kinh tế vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng ở mức hợp lý, lãi suất ngân hàng giảm, niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp được củng cố. Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó đã nảy sinh những vấn đề là rào cản cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế như nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho của doanh nghiệp.

Để giải quyết nợ xấu, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là “trách nhiệm của các tổ chức tín dụng”. Hiện các tổ chức tín dụng trích lập quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu là hợp lý, nhưng cần phải rà soát, phân loại (mức độ, tỷ lệ, khả năng phát sinh)

 các khoản nợ xấu để dễ dàng xử lý. Đối với công ty mua bán nợ xấu, cần thiết phải thành lập, hoạt động công khai, minh bạch, ràng buộc rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng. Đặc biệt không để công ty này sử dụng ngân sách Nhà nước để mua, xử lý nợ xấu.

Cùng với các giải pháp trên, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước tiếp tục thực hiện hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, từ đó góp phần giảm nợ xấu. Gắn liền với việc xử lý nợ xấu là “giải phóng” hàng tồn kho. Có ý kiến cho rằng đáng lo ngại nhất là tồn kho bất động sản với khoảng 100.000 căn hộ mà chủ đầu tư không bán được, mặc dù Bộ Xây dựng thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán nới tín dụng tiêu dùng để tiêu thụ tồn kho bất động sản.

Để giải quyết hàng tồn trong lĩnh vực xây dựng, đại biểu Lê Hữu Đức (đoàn Khánh Hòa) cho rằng cần phát hành trái phiếu cho các công trình quốc gia dân sinh, ví dụ đường 1A, để tiêu thụ xi măng, sắp thép... Cùng với đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực tìm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.

Được sự gợi ý của chủ tọa phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trao đổi với đại biểu Quốc hội một số thông tin về giải phóng hàng tồn kho, quản lý xăng dầu.

Bộ trưởng cho biết, hồi tháng 6-2012 chỉ số hàng tồn kho của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo là 34,9%. Qua 3 tháng, đến thời điểm 1-10-2012 chỉ số này đã giảm xuống còn 20,3% (thấp hơn mức tăng 21,1% ở thời điểm cùng kỳ năm 2011). Hiện nay, vẫn còn một số nhóm hàng có chỉ số tồn kho cao, trong đó mặt hàng than là 19% (cao hơn mức thông thường khoảng 4%), mặc dù đã giảm tồn kho khoảng 1 triệu tấn.

Bộ trưởng cho biết hiện nay ngành than đã có chính sách giảm giá cho một số đối tượng khách hàng nên dự báo đến cuối năm chỉ số tồn kho sẽ trở về mức bình thường. Với nhóm hàng phân bón, hiện đang thời điểm giao vụ nên tồn kho cũng còn khá cao, nhưng sắp tới vào vụ Đông Xuân sẽ giảm xuống. Mặt hàng thép hiện cũng có chỉ số tồn kho cao hơn cùng kỳ năm trước, bởi cầu xây dựng giảm. Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thuế nhập khẩu thép để hỗ trợ tiêu thụ hàng trong nước. Với các giải pháp đó, sẽ từng bước giải quyết được tồn kho thép. Vấn đề với doanh nghiệp hiện nay không chỉ là tồn kho hàng hóa, mà quan trọng hơn là có các giải pháp hỗ trợ họ phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn sắp tới.

L.H (Tổng hợp)