11:08, 23/08/2012

Nhu cầu cần thiết

Nhân viên y tế thiếu thời gian tư vấn phác đồ điều trị, cách phòng ngừa bệnh, trấn an tinh thần cho người bệnh; bất đồng trong quan hệ giữa y, bác sĩ và bệnh nhân...

Nhân viên y tế thiếu thời gian tư vấn phác đồ điều trị, cách phòng ngừa bệnh, trấn an tinh thần cho người bệnh; bất đồng trong quan hệ giữa y, bác sĩ và bệnh nhân (BN)…; đó là những bất cập đang diễn ra ở các bệnh viện (BV) công lập và ngoài công lập hiện nay. Điều này cho thấy cần có những người làm nghề công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp trong ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân…

. Nhiều bất cập chưa được giải quyết

Là BN, ai cũng cần được trợ giúp về tâm lý, cần sự gần gũi, động viên và chia sẻ, sự tận tình chăm sóc. Trong nhiều trường hợp, đây là liều thuốc vô cùng quý giá đối với người bệnh. Tuy nhiên, thực tế, ở hầu hết các BV công lập và ngoài công lập, sự quá tải về số lượng BN, áp lực làm việc của bác sĩ đã phần nào khiến những liều thuốc tinh thần này giảm bớt. Bệnh tật thì gia tăng trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) có chất lượng cao ngày càng nhiều, chi phí thuốc men ngày càng cao; các dịch vụ y tế chưa được liên kết, hiểu biết của BN về bệnh tật còn hạn chế; các quy định, chế độ chính sách và cách ứng xử trong BV đôi khi chưa đúng mực… đã gây nên căng thẳng trong quan hệ giữa BN với nhân viên y tế, cơ sở y tế.

Phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong ngành Y tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong ngành Y tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đã có nhiều trường hợp người dân bất bình, phàn nàn về thái độ phục vụ cũng như y đức, chuyên môn của y, bác sĩ. Có không ít vụ việc, người nhà BN bức xúc vì cho rằng các y, bác sĩ không tư vấn, điều trị kịp thời cho BN, dẫn đến hậu quả đau lòng… Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống KCB, nhất là tuyến trên, thường quá tải. Có bác sĩ 1 ngày khám hàng chục, thậm chí hàng trăm BN, tất yếu quá mệt mỏi, không thể trả lời đầy đủ cho BN về tình trạng bệnh của họ. Nhân viên y tế cũng thiếu thời gian để cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm các loại dịch vụ, tư vấn phác đồ điều trị, cách phòng ngừa, trấn an tinh thần cho người bệnh…

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Hiện nay, nhiều cơ sở y tế và cộng đồng đã hình thành các tổ chức hoạt động CTXH như: bếp ăn từ thiện, tổ từ thiện xã hội hay nhóm CTXH tham gia hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, BN tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã, phường… Các mô hình này đã hỗ trợ thầy thuốc phân loại BN, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ KCB. Song, những hoạt động này hiện vẫn mang tính tự phát. Đội ngũ tham gia chủ yếu có lòng nhiệt tình và kinh nghiệm chứ chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, do đó thường thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động chưa cao…”.

Thực tế trên cho thấy, việc phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế là hết sức cần thiết và cấp bách.

. Bạn đồng hành của người bệnh

Nghề CTXH trong ngành Y tế có vai trò rất quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, BV… đặc biệt là chăm sóc tâm lý xã hội cho BN bị khủng hoảng tâm thần, người nghiện ma túy, BN HIV, phụ nữ đơn thân, trẻ em bất hạnh. Nhân viên CTXH được xem như là bạn đồng hành của người bệnh, góp phần ổn định tinh thần, thể chất của BN, tạo quan hệ hài hòa giữa BN với người thân và với những người xung quanh, với cơ sở y tế… Phát huy hiệu quả nghề này sẽ góp phần thay đổi nhận thức, thúc đẩy hành vi tích cực, ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các mối quan hệ, nâng cao hiệu quả hoạt động KCB cho nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng cho biết thêm: “Hoạt động CTXH ở BV không chỉ hỗ trợ BN mà còn hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị. Áp lực công việc nặng nề thường ảnh hưởng tới quá trình KCB. Nếu có sự tham gia của nhân viên CTXH hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng CTXH thì sẽ làm gia tăng sự hài lòng của BN, khiến họ tuân thủ điều trị, qua đó chất lượng KCB được nâng lên. Muốn vậy, người làm nghề CTXH trong lĩnh vực y tế phải được đào tạo một số kiến thức chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Và cơ bản là họ phải có tâm, chịu khó tìm hiểu đặc điểm tâm lý, xã hội, hoàn cảnh thực tế mà BN đang phải đối mặt cùng mong muốn của họ để từ đó giúp họ vững tâm điều trị…”.

Theo ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa, để nghề CTXH nhanh chóng phát triển trong ngành Y tế, trước mắt, ngành cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về vai trò của nghề CTXH; đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng CTXH cho cán bộ y tế; hình thành mạng lưới hoạt động CTXH tại các BV, nhất là BV tuyến tỉnh. Tại mỗi BV, nên thành lập một đơn vị chuyên đảm nhận hoạt động này. Về lâu dài, cần mở rộng mạng lưới nhân viên CTXH chăm sóc sức khỏe để có thể hỗ trợ và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân.

VĂN GIANG

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: Bộ Y tế đã chọn BV Đa khoa tỉnh làm điểm triển khai Đề án Phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2012. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng xong đề án và trình Sở Y tế. Trong năm 2012, BV sẽ thành lập Phòng CTXH để phục vụ tốt nhất BN, người nhà BN và đội ngũ y bác sĩ.