05:08, 26/08/2012

Đau đầu với bài toán nhân lực ngành Y

Tình trạng thiếu bác sĩ ở Khánh Hòa đã kéo dài nhiều năm nay. Tuy UBND tỉnh Khánh Hòa và các bệnh viện đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng đến nay, số lượng bác sĩ tuyển mới chỉ đủ lấp khoảng trống số bác sĩ nghỉ việc và nghỉ hưu.

Tình trạng thiếu bác sĩ (BS) ở Khánh Hòa đã kéo dài nhiều năm nay. Tuy UBND tỉnh Khánh Hòa và các bệnh viện (BV) đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng đến nay, số lượng BS tuyển mới chỉ đủ lấp khoảng trống số BS nghỉ việc và nghỉ hưu.

.Thiếu nhân lực trầm trọng

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay, toàn tỉnh thiếu khoảng 250 BS và gần 100 dược sĩ, trong đó, tuyến tỉnh thiếu gần 100 BS và hơn 50 dược sĩ, tuyến huyện thiếu hơn 100 BS và khoảng 20 dược sĩ, tuyến xã thiếu gần 100 BS. Theo BS Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế, con số này sẽ tiếp tục tăng từng năm bởi số BS và dược sĩ tuyển được chỉ đủ bù đắp số BS nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

1
Bác sĩ thường xuyên tăng cường về huyện miền núi để khám bệnh miễn phí cho người dân.

“Thực tế 10 năm nay, ngành Y tế Khánh Hòa chỉ tuyển mới được hơn 200 BS và hơn 10 dược sĩ. Số lượng BS và dược sĩ nghỉ hàng năm dự báo tăng tương ứng với số lượng tuyển mới, trong khi yêu cầu về số BS/người dân ngày càng tăng; vì vậy, trong vài năm tới, lượng BS và dược sĩ sẽ thiếu trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh”, một BS tâm huyết tại BV Đa khoa tỉnh cho hay.

Theo số liệu thống kê của BV Đa khoa tỉnh, mỗi năm, có trên 10 BS tại BV xin nghỉ việc. Những người này thường tìm đến các cơ sở y tế tư nhân hoặc làm giáo viên trong trường y tế để có thu nhập khá hơn và lại bớt áp lực. Theo lãnh đạo BV Đa khoa tỉnh, hiện BV cần tuyển khoảng 40 BS để bù vào số BS đã thôi việc. Còn nếu căn cứ vào số giường bệnh được giao, BV còn thiếu hơn 100 BS.

BS Nguyễn Văn Xáng - Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh phân tích: “Tổng thu nhập của một BS trẻ khoảng 3 triệu đồng/tháng, trong đó, tiền thuê nhà mất 1 triệu đồng, tiền ăn tối thiểu cũng 1,5 triệu đồng, 500 nghìn đồng còn lại không đủ trang trải chi phí xăng xe, điện thoại… Thu nhập không đủ sống trong khi áp lực công việc cao khiến họ không muốn làm cũng là điều dễ hiểu”.

. “Thảm đỏ” cũng bất lực

  Thiếu bác sĩ, thiếu giường bệnh, bệnh nhân đang phải chịu nhiều thiệt thòi.

 Thiếu bác sĩ, thiếu giường bệnh, bệnh nhân đang phải chịu nhiều thiệt thòi.

Để giải quyết khó khăn trên, mới đây, UBND tỉnh đã có quy định, nếu BS, dược sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ có nguyện vọng về công tác tại Khánh Hòa, sẽ được hỗ trợ một lần từ 10 - 25 triệu đồng đối với vùng đồng bằng và từ 20 - 35 triệu đồng đối với vùng miền núi, hải đảo.

Ngoài ra, họ còn được hưởng một số hỗ trợ khác như: Hỗ trợ thu nhập hàng tháng cho các BS ở huyện miền núi bằng từ 1,7 - 2 lần mức lương tối thiểu chung cho từng thời điểm; tiền hỗ trợ thuê nhà cho các BS chưa có nhà ở 700.000 đồng/tháng. Để hưởng các chế độ trên, họ chỉ phải cam kết phục vụ tại đơn vị trong thời gian tối thiểu 5 năm.

Một lãnh đạo tâm huyết của BV Đa khoa tỉnh tâm sự, ngoài những chính sách ưu đãi của tỉnh, đích thân ông đang phải đôn đáo chạy từ ngân hàng đến Sở Xây dựng làm hợp đồng ký kết với BV cho BS trẻ vay vốn mua đất, xây nhà nhằm ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Vị lãnh đạo này cho biết: “Mỗi khi có BS trẻ về BV nhận công tác, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian xuống mời họ đi uống cafe, tâm sự, tìm cách thuyết phục họ gắn bó lâu dài với BV”.

BS Bùi Xuân Minh đánh giá: “Tuy có nhiều chính sách nhưng tình trạng thiếu BS vẫn rất trầm trọng. Hiện, nguồn BS tuyển được chỉ đủ để bù lấp vào khoảng trống mà các BS nghỉ hưu, bỏ việc nên việc thiếu BS vẫn là vấn đề nan giải trong nhiều năm tới”. BS Minh cũng cho biết, về lâu dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa sớm hoàn thiện hồ sơ xin nâng cấp thành Trường Đại học Y dược Nha Trang để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho ngành Y.

VĂN KỲ