05:06, 09/06/2011

“Phao cứu sinh” cho lao động bị mất việc làm

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm và nghĩa vụ của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm giúp người lao động giảm thiểu rủi ro khi thất nghiệp.

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là trách nhiệm và nghĩa vụ của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) nhằm giúp người lao động (NLĐ) giảm thiểu rủi ro khi thất nghiệp. Xác định được ý nghĩa đó, những năm qua, Luật BHTN đã được các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa triển khai sâu rộng. Nhờ đó, BHTN được coi là chiếc “phao cứu sinh” đối với những lao động không may bị mất việc làm.

Cùng với xu thế chung của nền kinh tế thị trường, nhiều lao động ở các DN trên địa bàn tỉnh không thể tránh khỏi tình trạng bị mất việc làm hay bị cắt giảm thời gian lao động. Đó có thể do DN bị ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế, tài chính toàn cầu dẫn đến ngưng trệ trong sản xuất, buộc phải cắt giảm lao động hay cho NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trước thời hạn. Do đó, tham gia đóng BHTN sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro khi NLĐ bị thất nghiệp. Đây đồng thời là trách nhiệm của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi tham gia lao động sản xuất.

  Doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ giảm thiểu rủi ro cho người lao động không may bị thất nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.522 đơn vị, DN với hơn 84.000 NLĐ tham gia đóng BHTN theo luật định. Những năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận hàng ngàn hồ sơ đăng ký thất nghiệp của NLĐ để chuyển hướng chi trả trợ cấp cho NLĐ. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.890 hồ sơ đăng ký thất nghiệp của NLĐ trên địa bàn tỉnh (tăng 15%). Bên cạnh đó, Trung tâm đã chuyển hơn 1.450 hồ sơ để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp cho họ. Thế nhưng, khi số lượng người đăng ký thất nghiệp tăng thì số người chưa có việc làm trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên. Từ đó tạo ra áp lực cho các cấp, ngành trong việc tìm hướng giải quyết việc làm cho NLĐ ở địa phương.

Được biết, từ đầu năm đến nay, số người đăng ký thất nghiệp tăng lên chủ yếu tập trung ở những ngành nghề như: Thủ công mỹ nghệ, may, chế biến thủy sản… Đây là những ngành nghề có mức lương tương đối thấp, không đáp ứng được nhu cầu trang trải cuộc sống hàng ngày của NLĐ. Tình trạng mất việc làm hoặc NLĐ phải nghỉ việc trước thời hạn HĐLĐ thường xuyên xảy ra. Chính thời điểm này, BHTN trở thành những chiếc “phao cứu sinh” cho NLĐ. Khi đăng ký thất nghiệp, ngoài được hưởng trợ cấp, NLĐ còn có những quyền lợi như: được hỗ trợ học nghề thông qua các cơ sở dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm mới miễn phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, NLĐ cũng sẽ bị cắt trợ cấp thất nghiệp với những lý do như: Không trực tiếp thông báo hàng tháng với Trung tâm GTVL để tìm kiếm việc làm mới…

Hiện nay, tình trạng nợ đọng, chây ỳ, chậm đóng BHTN tại một số DN vẫn thường xuyên diễn ra. Phổ biến nhất là ở các DN làm ăn kém hiệu quả, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoặc những đơn vị khoán mùa vụ không có thu nhập tiền lương, tiền công nên cố tình trốn tránh thực hiện chính sách BHTN, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Không tham gia đóng BHTN, khi công nhân mất việc, DN phải tự đứng ra chi trả trợ cấp thôi việc. Trong khi đó, DN tham gia đóng BHTN sẽ được hỗ trợ bởi khoản đóng 1% của NLĐ và 1% từ ngân sách Nhà nước, nhưng lao động phải thực hiện đóng BHTN đủ thời gian mới được trợ cấp thất nghiệp.

Ông Hồ Viết Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm GTVL tỉnh cho biết: “BHTN được coi là “phao cứu sinh” cho NLĐ khi đang tham gia bảo hiểm xã hội không may bị mất việc làm hoặc cắt HĐLĐ mà chưa tìm được việc làm mới. Đây còn được xem là một trong những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết những phức tạp xung quanh vấn đề lao động - việc làm. Khi mất việc làm, NLĐ cần đến ngay Trung tâm GTVL tỉnh đăng ký thất nghiệp để được hưởng chế độ theo luật định. Tham gia BHTN sẽ giúp NLĐ giảm thiểu rủi ro khi mất việc làm, bị chấm dứt HĐLĐ; nếu bị thất nghiệp mà chưa tìm được việc làm thì NLĐ vẫn đảm bảo một phần thu nhập hàng tháng và nhiều quyền lợi khác. Đối với NLĐ trên địa bàn tỉnh, BTHN còn là một chính sách mới, tác động trực tiếp đến NLĐ và người sử dụng lao động, do đó, công tác thông tin tuyên truyền cần phải thường xuyên, liên tục để chính sách an sinh này sớm đi vào cuộc sống”.

Thiết nghĩ, BHTN là một chính sách rất thiết thực cho NLĐ. Chính vì vậy, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, rất cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía. Trong đó, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách. Đối với DN, cần đẩy mạnh việc thực hiện, hỗ trợ kịp thời NLĐ các thông tin, trình tự thủ tục cần thiết. Bản thân NLĐ cũng phải chủ động trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến BHTN để tránh bị thiệt thòi.

VĂN GIANG