10:06, 07/06/2011

Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam Ô nhiễm môi trường biển và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng biển Khánh Hòa

Nằm trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, Khánh Hòa có bờ biển dài 385km với khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ, với các đầm và vịnh đẹp như đầm Nha Phu - vịnh Bình Cang, vịnh Vân Phong, Bến Gỏi - vịnh Nha Trang và đầm Thủy Triều - vịnh Cam Ranh.

Nằm trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, Khánh Hòa (KH) có bờ biển dài 385km với khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ, với các đầm và vịnh đẹp như đầm Nha Phu - vịnh Bình Cang, vịnh Vân Phong, Bến Gỏi - vịnh Nha Trang và đầm Thủy Triều - vịnh Cam Ranh. Trong đó, vịnh Nha Trang được xếp vào một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch cũng như kinh tế biển của tỉnh, đặc biệt là phát triển cảng biển và khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.

Dọc bờ biển KH có nhiều bãi tắm đẹp và tập trung nhiều đảo lớn nhỏ, thềm lục địa rất hẹp, đường đẳng sâu chạy sát bờ biển. Ngoài các đảo đá ven bờ, KH còn có các đảo san hô ở huyện đảo Trường Sa với khoảng 148 đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm rải rác trên một diện tích gần 410.000km². Với đặc điểm về mặt địa lý, vùng biển KH có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Theo ước tính, trữ lượng hải sản thuộc vùng biển KH khoảng 150.000 tấn, trong đó chủ yếu là cá nổi (70%) với khả năng khai thác cho phép hàng năm khoảng 70.000 tấn. Ngoài hải sản như cá, mực và các loại ốc, biển KH còn là nơi trú ngụ của loài chim yến, hàng năm cho phép khai thác khoảng 2.000kg yến sào, đây là nguồn tài nguyên quý đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Đặc biệt, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi như vậy, KH có thể phát triển các loại hình du lịch đa dạng: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch săn bắn, du lịch bơi lặn, du lịch leo núi, du lịch sưu khảo, du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch bơi - đua thuyền, và đặc biệt là du lịch biển đảo.

 Đầm Nha Phu - nơi có điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch và kinh tế biển.
Tài nguyên biển và hải đảo KH tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh song cũng ngày càng trở nên khan hiếm nếu không được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả và bền vững. Vẫn còn nhiều người chưa ý thức việc phải bảo vệ biển như: khai thác tài nguyên quá mức, sử dụng những phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt; chặt phá rừng ngập mặn để làm đìa nuôi tôm; khai thác san hô; nước thải, chất thải công nghiệp và các khu dân cư chưa được xử lý đổ thẳng ra biển; các cơ sở nuôi trồng thủy sản đổ ra biển thức ăn thừa và chất thải từ các lồng bè nuôi hải sản. Thêm vào đó, các thiên tai như bão, lũ và xâm nhập mặn có tác động lớn tới môi trường biển và đới bờ… Tình trạng đó đã làm cho môi trường biển KH bị ô nhiễm, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên cá, nhất là các loài cá ven bờ; tính đa dạng sinh học ngày càng bị đe dọa do phá hủy môi trường sống như rừng ngập mặn, rạn san hô; axit hóa đất do phát quang rừng ven biển trên các vùng đất phèn để làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; gia tăng nồng độ của các chất ô nhiễm trong nước biển như dầu, kim loại nặng, các hóa chất độc hại; đặc biệt hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện tại vùng biển KH làm chết các loại tôm cá đang nuôi trồng ở các vùng này.

Thực tế trên khiến việc bảo vệ môi trường (BVMT) sinh thái biển đang trở thành vấn đề cấp bách, không chỉ của riêng các cấp chính quyền mà còn là của mỗi người dân. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải chung tay cùng hành động BVMT sinh thái biển. Theo đó, cần phải có một chiến lược tổng thể lâu dài BVMT sinh thái biển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục vệ sinh môi trường, tập huấn cho người dân ở đảo và lao động trên các lồng bè tôm, cá phân loại rác trước khi đưa tới điểm tập kết, vận động ngư dân thu gom rác trôi nổi trên biển, lặn bắt sao biển gai tiêu hủy để bảo vệ rạn san hô. Có chiến lược quy hoạch một số điểm nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái và BVMT biển tại một số đảo; ngăn chặn triệt để việc đánh cá bằng chất nổ và các phương tiện xung điện, nghiêm cấm các hình thức xả thải trực tiếp nguồn nước, chất thải công nghiệp chưa được xử lý ra biển; thành lập và phát triển các khu bảo tồn biển, mở rộng diện tích trồng rừng ngập mặn ven biển, tạo môi trường sinh sống cho các loại thủy hải sản ven bờ.

ThS. TRẦN VĂN HƯNG
(Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ)