07:05, 15/05/2011

Rác thải, nước thải “tấn công” Khu Công nghiệp Suối Dầu

Thời gian qua, Khu Công nghiệp Suối Dầu bị “tấn công” bởi rác thải sinh hoạt của người dân sinh sống xung quanh và nước thải của một số hộ sản xuất kinh doanh ở bên ngoài khu công nghiệp xả xuống những con suối tự nhiên chảy qua khu công nghiệp.

Thời gian qua, Khu Công nghiệp (KCN) Suối Dầu bị “tấn công” bởi rác thải sinh hoạt của người dân sinh sống xung quanh và nước thải của một số hộ sản xuất kinh doanh ở bên ngoài KCN xả xuống những con suối tự nhiên chảy qua KCN. Tình trạng này đã gây bức xúc đối với đơn vị quản lý và nhiều DN đang hoạt động tại đây.

KCN Suối Dầu được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập năm 1997, với quy mô 152ha, tổng vốn đầu tư 161 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3-2011, KCN Suối Dầu đã thu hút 42 dự án đầu tư, trong đó có 34 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với hơn 9.000 lao động đang làm việc tại đây. Theo ông Huỳnh Nguyễn Phương Trí - cán bộ Phòng Điều hành sản xuất và Môi trường, Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu (đơn vị quản lý KCN Suối Dầu), tại KCN Suối Dầu, việc bảo vệ môi trường luôn được các DN chú trọng. Tại các nhà máy, nước thải sản xuất đều được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải nội bộ của từng DN. KCN cũng có trạm xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt tại các DN. Trạm có công suất xử lý 5.000m3/ngày đêm, nhưng chỉ mới sử dụng hết 1/2 công suất. Ngoài ra, KCN còn có một bãi tập kết rác trung chuyển. Rác thải trong quá trình hoạt động của các DN được tập trung tại bãi tập kết rác này, sau đó sẽ được đưa đến bãi xử lý rác của huyện Cam Lâm ngay trong ngày.

Nước thải của một số hộ sản xuất phế liệu thủy sản theo suối chảy qua Khu Công nghiệp Suối Dầu.
Tuy nhiên hiện nay, KCN Suối Dầu đang bị “tấn công” bởi rác thải sinh hoạt của người dân thôn Dầu Sơn và Đồng Cau (xã Suối Tân). Đến KCN Suối Dầu, không ít lần, chúng tôi bắt gặp hình ảnh thiếu “văn minh” của người dân nơi đây. Tuy tại các khu dân cư, hàng ngày có đội thu gom rác nhưng người dân vẫn cứ “tiện tay” bỏ rác vào túi ni lông, ném vào trong KCN. Dọc đường số 1 và số 2 trong KCN Suối Dầu nơi tiếp giáp với khu dân cư, không khó để bắt gặp những đống rác nhếch nhác bên lề đường, ngược lại ở những đoạn đường không có dân cư sinh sống thì lại khá sạch sẽ. Bên cạnh đó, với số lượng công nhân lớn nên rác thải từ việc ăn uống của công nhân vào mỗi buổi sáng cũng khá nhiều, càng khiến cho việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong KCN trở nên khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Huệ - một công nhân ở KCN Suối Dầu cho biết: “Công nhân làm việc trong KCN đông nên việc giữ vệ sinh môi trường chung trong KCN rất khó khăn. Những buổi sáng đi làm, công nhân thường mua bánh mì, xôi… gói trong giấy báo hoặc túi ni lông; sau khi ăn sáng xong, họ tiện tay vứt rác ra đường, rất ít người bỏ rác vào thùng, mặc dù trên các con đường trong KCN có bố trí rất nhiều thùng rác”.

Ngoài ra, một nguồn ô nhiễm khác cũng đang khiến cho Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu bức xúc, đó là nước thải từ các hộ sản xuất phế liệu thủy sản bên ngoài KCN theo các con suối tự nhiên chảy ngang qua KCN. Quan sát tại cống nước băng qua đường số 7 trong KCN, nước đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu. Ông Huỳnh Nguyễn Phương Trí cho biết thêm: “Phía bên ngoài KCN Suối Dầu đang tồn tại một số hộ sản xuất kinh doanh phế liệu thủy sản. Trong quá trình sản xuất, nước thải của các hộ này có thể chưa qua xử lý được đổ xuống những con suối nhỏ, dòng nước đen ngòm theo con suối chảy ngang qua KCN, nhiều khi bốc mùi rất khó chịu”. 

Tuy Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu đã nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng rác thải sinh hoạt và nước thải của các hộ sản xuất phế liệu thủy sản vẫn chưa được giải quyết. Trước tình trạng này, Công ty phải thường xuyên dọn vệ sinh trong KCN, nhất là các đống rác thải sinh hoạt do người dân ném vào; đồng thời cùng với các DN nhắc nhở công nhân bỏ rác đúng nơi quy định… Tình trạng trên sẽ còn tiếp tục kéo dài nếu các hộ dân sinh sống gần KCN, cũng như công nhân làm việc tại đây không nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý.

THỦY BA