09:05, 05/05/2011

Ít gặp nhưng nguy hiểm

Theo bác sĩ Phan Thế Long, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, hội chứng Stevens Johnson là một trong những bệnh rất hiếm gặp, thường 1.000 ca mới gặp 1 ca, nhưng đây lại là một bệnh rất nguy hiểm và khó điều trị.

Theo bác sĩ (BS) Phan Thế Long, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, hội chứng Stevens Johnson là một trong những bệnh rất hiếm gặp, thường 1.000 ca mới gặp 1 ca, nhưng đây lại là một bệnh rất nguy hiểm và khó điều trị.

Ngày 29-4, có mặt tại Khoa Truyền nhiễm BVĐK tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi không khỏi giật mình khi nhìn thấy bệnh nhân P.T.P, 30 tuổi ở Ninh Bình (Ninh Hòa). Toàn thân chị P. đỏ rực như người bị bỏng, một số chỗ da bị lóc ra, lộ rõ những mảng thịt màu hồng. Trên giường bệnh, chị P. có biểu hiện sốt cao, tổn thương hồng ban da lan rộng khắp toàn thân, tứ chi, kèm bóng nước, lở loét niêm mạc môi miệng gây nhiễm trùng, đau họng, khó nuốt, tổn thương sưng đỏ, rỉ dịch niêm mạc mũi, kết mạc mắt… Các BS chẩn đoán chị bị hội chứng Stevens Johnson do nghi dị ứng thuốc. Chị đã được điều trị tích cực với truyền dịch bù nước điện giải, hạ sốt, dinh dưỡng năng lượng cao, chăm sóc da, niêm mạc, nằm phòng riêng để tránh nhiễm trùng thêm.

Được biết trước đó, chị P. bị đau đầu, sốt, ói, co giật, liệt một bên người. Chị được BV Ninh Hòa chuyển vào BVĐK tỉnh và được chẩn đoán bị viêm/lao màng não. Chị đã được dùng nhiều loại kháng sinh để điều trị bệnh lao màng não. Nhưng do chị bị dị ứng kháng sinh nên dẫn đến hội chứng Stevens Johnson. Hiện nay các BS đã phải tạm dừng điều trị kháng sinh đối với bệnh lao màng não để điều trị dị ứng cho chị. “Việc điều trị cho chị P. hiện rất khó khăn, phức tạp. Nếu không dừng kháng sinh điều trị dị ứng thì bệnh nhân sẽ chết do dị ứng chứ không phải do lao. Trong khi bệnh lao, lại là lao màng não nếu không được điều trị tích cực thì sẽ để lại hậu quả rất nặng nề”, BS Long nói.

 BS Long đang khám cho bệnh nhân P.
Hội chứng Stevens Johnson (tên của hai BS mô tả đầu tiên bệnh lý này) thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi, nam nhiều hơn nữ, vào mùa Hè, Đông hoặc Xuân. Bệnh khởi phát đột ngột bắt đầu bằng sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi, đau viêm họng miệng, niêm mạc mắt và sinh dục, về sau xuất hiện mụn nước, bọng nước ở da, tình trạng bệnh ngày càng nặng, có thể tử vong. Trước đây, hội chứng Stevens Johnson được xem là thể cấp tính của ban đỏ đa dạng. Tuy nhiên gần đây, một số tác giả cho rằng nên xếp riêng vì bệnh có tính chất riêng biệt.

Hội chứng Stevens Johnson được cho là có nhiều căn nguyên, trong đó đáng chú ý là: Do thuốc (hạ sốt, giảm đau, an thần, đặc biệt kháng sinh nhóm Penicillin, Sunfamides), do tiêm vắc xin, huyết thanh, nhiễm virus (Herpes), các bệnh nhiễm khuẩn (viêm phổi, viêm màng não, viêm não, nhiễm khuẩn răng miệng), do các loại bệnh ký sinh trùng, sốt rét, trùng roi, nhiễm nấm, bệnh tạo keo (Lupus ban đỏ), rối loạn nội tiết, có thai hoặc rối loạn kinh nguyệt…

Về lâm sàng, ngoài sốt cao đột ngột, nhức đầu, mỏi mệt thì viêm miệng là dấu hiệu xuất hiện sớm của bệnh với biểu hiện mụn nước ở môi, lưỡi và niêm mạc miệng hoặc xung quanh miệng, về sau gây viêm miệng nặng kèm theo giả màng xuất huyết, chảy nước bọt, loét miệng, ăn uống khó khăn. Mắt cũng sẽ bị viêm kết mạc hai bên, loét giác mạc. Mũi bị viêm, sung huyết, chảy máu mũi. Da xuất hiện mụn, bọng nước hoặc ban xuất huyết ở mặt, tay, chân, sau đó xuất hiện tổn thương ban đỏ hình huy hiệu toàn thân kèm theo viêm một hoặc tất cả các hốc tự nhiên (miệng, mũi, kết mạc, niệu đạo, âm đạo, hậu môn…). Các cơ quan nội tạng khác cũng bị tổn thương (viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa…). BS Long cho biết, nếu không được điều trị đúng, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng: bệnh nhân mệt mỏi, đau khớp, hôn mê, loạn nhịp tim, viêm màng cơ tim, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong. Nếu tổn thương nặng các hốc tự nhiên có thể gây biến chứng như mù lòa…

Cũng theo BS Long, việc điều trị hội chứng Stevens Johnson cần căn cứ theo nguyên nhân. Nếu do sốt rét thì điều trị theo bệnh sốt rét. Nếu do thuốc thì phải ngừng loại thuốc gây bệnh và điều trị với corticoid. Có thể kết hợp với kháng sinh nhóm ít gây dị ứng (macrolit), đồng thời phải chăm sóc tốt các vết thương với các loại thuốc, dung dịch bôi tại chỗ.

Riêng trường hợp chị P., sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, đến nay tình trạng bệnh của chị đã cải thiện dần, tỉnh táo, ăn uống được, da, niêm mạc bớt tổn thương và đang trong quá trình hồi phục.

NGỌC KHÁNH