03:05, 04/05/2011

Rừng phòng hộ dần biến mất

Trước sự thu hẹp của rừng phòng hộ, nhu cầu cấp bách được đặt ra là làm thế nào để hạn chế vấn nạn trên. Thế nhưng, có vẻ như các ngành chức năng chỉ giải quyết vấn đề bằng các kế hoạch, phương án mà chủ yếu vẫn đang nằm trên bàn giấy; trách nhiệm thuộc về ai và xử lý như thế nào thì vẫn còn tình trạng đùn đẩy, thiếu nhất quán…

Bài 2: Hệ quả của những bất cập trong quản lý

Trước sự thu hẹp của rừng phòng hộ, nhu cầu cấp bách được đặt ra là làm thế nào để hạn chế vấn nạn trên. Thế nhưng, có vẻ như các ngành chức năng chỉ giải quyết vấn đề bằng các kế hoạch, phương án mà chủ yếu vẫn đang nằm trên bàn giấy; trách nhiệm thuộc về ai và xử lý như thế nào thì vẫn còn tình trạng đùn đẩy, thiếu nhất quán…

Trên Tỉnh lộ 9 đoạn từ Km20 đến Km28 - nơi rừng bị xâm hại nặng nề nhất - thuộc địa phận xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Ái, cán bộ Kiểm lâm phụ trách Cam Phước Tây - đại diện cho UBND xã Cam Phước Tây trả lời dứt khoát rằng: “Đây là khu vực rừng do Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Cam Lâm quản lý (chủ rừng Nhà nước). Ban này có lực lượng quản lý riêng. Cán bộ Kiểm lâm địa bàn Cam Phước Tây chỉ phụ trách 2 tiểu khu 312 và 316 (không thuộc khu vực đèo Khánh Sơn - PV). Xã chỉ quản lý về mặt hành chính và an ninh trật tự. Còn quản lý rừng thì đã có đơn vị chủ rừng Nhà nước”.

Tìm hiểu tại Trạm quản lý và bảo vệ rừng Cam Phước Tây đóng tại chân đèo Khánh Sơn, chúng tôi được ông Phan Hải Ninh, tổ trưởng cho biết: “Với nhân lực chỉ có 5 người (trong đó chỉ có 2 biên chế - PV) ngày đêm quản lý bảo vệ trên 4.500ha rừng ở 5 tiểu khu, chúng tôi chỉ có thể tập trung lực lượng quản lý bảo vệ ở những khu vực rừng trồng. Với các hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp, nếu chúng tôi có lập biên bản kiểm tra thì quá trình xử lý cũng mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi không có thẩm quyền xử phạt, nhưng khi đưa lên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện thì lại được hướng dẫn chuyển về UBND xã (đối với mức phạt dưới 2 triệu đồng)”.

 Nhìn từ vệ tinh, khu vực đỉnh đèo Khánh Sơn hoàn toàn là nương rẫy của người dân.
Thực tế, từ tháng 10-2009, 2 huyện Cam Lâm và Khánh Sơn đã thành lập Tổ công tác liên ngành - liên huyện bảo vệ rừng vùng giáp ranh 2 huyện (tạm gọi tắt là Tổ liên ngành) với đầy đủ thành phần từ Kiểm lâm, chủ rừng Nhà nước, Công an, Phòng Tài nguyên - Môi trường… của 2 huyện và 2 xã giáp ranh gồm Cam Phước Tây (Cam Lâm) và Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn). Tổ liên ngành do ông Lại Trọng Khâm, quyền Giám đốc BQL rừng phòng hộ Cam Lâm làm tổ trưởng. Theo quy chế phối hợp và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng giáp ranh giữa 2 huyện đã được vạch ra, trong đó nhiệm vụ trọng tâm của Tổ là làm sao thu hồi lại diện tích đất rừng đang bị xâm hại tại khu vực giáp ranh để trồng rừng. Nhưng vào cuối năm 2010, hơn 1 năm sau khi Tổ liên ngành được thành lập, khi chúng tôi làm việc với BQL rừng phòng hộ Cam Lâm, thì ngay cả số hộ dân, số diện tích đất bị xâm hại cũng chưa được đơn vị này nắm bắt. Tổ liên ngành, sau 18 tháng thành lập cũng chủ yếu thực hiện công tác… kiện toàn. Tháng 9-2010, tổ trưởng Tổ liên ngành đã được “đẩy” cho ông Võ Văn Hữu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lâm. Nhưng khi chúng tôi trao đổi với ông Võ Văn Hữu thì được biết, công việc của ngành Kiểm lâm rất nhiều, ông không thể đảm đương được. Và chức tổ trưởng lại được “chuyền” cho ông Hồ Tấn Pháp, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lâm vào tháng 3-2011.

Có khá nhiều cuộc họp giữa các ngành chức năng 2 huyện, những kế hoạch cụ thể được Tổ liên ngành vạch ra, nhưng ngay nhiệm vụ trọng yếu là “bảo vệ rừng giáp ranh” cũng đã cho thấy sự bất cập. Bởi khu vực này trên thực tế đã không còn… rừng để mà bảo vệ. Khi không còn rừng thì đây chỉ còn là đất lâm nghiệp, nó còn liên quan đến địa phương, đến lĩnh vực tài nguyên môi trường chứ không riêng gì Kiểm lâm hay đơn vị chủ rừng. Bởi vậy, trong quá trình hoạt động, Tổ liên ngành chủ yếu sử dụng hình thức vận động, tuyên truyền chứ chưa thể đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn đối với những trường hợp cố tình chống đối, bất hợp tác.

Với hình thức vận động, tuyên truyền, theo ông Lại Trọng Khâm, quyền Giám đốc BQL rừng phòng hộ Cam Lâm: “Cuối năm 2010, 53 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn) đã đồng ý và cam kết đến tháng 2-2011 giao trả lại đất rừng với diện tích thực đo là 78,32ha. Chúng tôi đã tiến hành trồng được 50ha rừng “xen canh” với “vườn chuối” của bà con trước khi đến hạn giao trả hoàn toàn. Đó là với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Còn đối với các hộ người Kinh từ các xã đồng bằng thuộc huyện Cam Lâm lên đây canh tác với diện tích ước tính trên 80ha, việc tuyên truyền không mang lại kết quả, Tổ liên ngành đã tiến hành lập biên bản thu hồi nhưng gặp phải sự chống đối quyết liệt từ các hộ dân. Ngay cả khi Tổ yêu cầu các hộ đến kê khai diện tích đất cũng chỉ có 1 trường hợp đến đăng ký. Việc xử lý đối với các hộ dân này hiện đang gặp phải trở ngại do chúng tôi không đủ cơ sở pháp lý để có thể áp dụng các hình thức mạnh tay hơn”.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, đơn vị chủ rừng Nhà nước với trọng trách của mình đối với lâm phần được giao cần phải tích cực, chủ động hơn trong quá trình bảo vệ, phát triển rừng. Theo phương án mới nhất BQL rừng phòng hộ Cam Lâm tham mưu cho UBND huyện vào đầu năm 2011, thì cần phải thành lập Tổ công tác để tiến hành vận động, kê biên, thu hồi đất trên cơ sở Tổ công tác liên ngành trước đó. Nói cách khác là tổ liên ngành tiếp tục… kiện toàn, lần này là thêm lực lượng của Phòng Tài nguyên Môi trường và Công an, Tài chính - những thành phần đã có trong Tổ liên ngành trước đó (trừ Tài chính). Sau khi thành lập, tổ công tác này vận động, kê biên, thu hồi đất và giao lại cho BQL rừng phòng hộ Cam Lâm để trồng rừng. Nếu vận động không được thì thành lập Ban cưỡng chế. Phương án này, suy cho cùng chính là hiện thân của Tổ công tác liên ngành - liên huyện đã được thành lập trước đó mà hiệu quả ra sao thì đã rõ. Hiểu một cách nôm na thì BQL rừng phòng hộ Cam Lâm đang muốn một lực lượng nào đó thu hồi đất - việc khó nhất - để đơn vị mình trồng rừng, chứ chưa thể hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình để từ đó có những biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết tình trạng này một cách có hiệu quả.

Hiện nay, các ngành chức năng của huyện Cam Lâm cũng như BQL rừng phòng hộ Cam Lâm vẫn tiếp tục ở vào giai đoạn “lên kế hoạch” mà thời điểm thực hiện vẫn đang bỏ ngỏ. Phải chăng, khi con đường Tỉnh lộ 9 không phải là huyết mạch giao thông của huyện Cam Lâm, hồ chứa nước Tà Rục cũng như vấn đề môi sinh chưa ảnh hưởng sát sườn đến đời sống, sinh hoạt của địa phương này nên việc quản lý khu vực rừng phòng hộ xung yếu này đang được thả lỏng?

HỒNG ĐĂNG

Bài 1: Khi rừng phòng hộ thành “vườn” chuối