12:09, 22/09/2010

Bức xúc chuyện đồng phục học sinh

Năm nào cũng vậy, cứ vào năm học mới là phụ huynh học sinh lại bức xúc, than phiền về đồng phục học sinh. Không chỉ phức tạp về kiểu dáng, màu sắc, nhiều phụ huynh học sinh còn đau đầu vì những quy định khắt khe hoặc “lạ đời” của các trường.

Năm nào cũng vậy, cứ vào năm học mới là phụ huynh học sinh (PHHS) lại bức xúc, than phiền về đồng phục HS. Không chỉ phức tạp về kiểu dáng, màu sắc, nhiều PHHS còn đau đầu vì những quy định khắt khe hoặc “lạ đời” của các trường.

Năm học 2010 - 2011, PHHS Trường Trung học Phổ thông (THPT) Phan Bội Châu, Cam Ranh (Khánh Hòa) bị “sốc” khi nhà trường đưa ra mẫu bộ đồng phục mới là quần trắng, áo xanh và chỉ mặc trong ngày Thứ hai đầu tuần; các ngày còn lại, HS vẫn mặc đồng phục cũ là quần xanh, áo trắng. Không chỉ quy định về mẫu đồng phục mới, nhà trường còn “bắt buộc” PHHS phải đến tiệm may do nhà trường chỉ định để mua vải và may đồ. Chị L.T.C có con học lớp 10 tại trường Phan Bội Châu bức xúc: “Đang yên lành tự dưng “đẻ” ra quy định mặc đồng phục riêng cho ngày Thứ hai; đã vậy còn bắt HS mặc quần trắng, rất bất tiện cho các cháu!”. Còn chị N.T.T cho biết: “Nhà trường bắt phải đến tiệm may Y Phương để mua vải và may đồ. Giá một bộ lên đến 260.000 đồng. Tôi là thợ may, muốn mua vải về may cho con để tiết kiệm chi phí cũng không được. Nhà trường quy định như vậy gây tốn kém và phiền phức cho PH!”.

Cũng trong năm học này, Trường THPT Bán công Chu Văn An (TP. Nha Trang) chuyển đổi sang loại hình trường tư thục với tên gọi giao dịch là Trường THPT iSHCOOL Nha Trang. Chính vì vậy, với mong muốn tạo ra một diện mạo mới mang “màu cờ sắc áo” riêng, nhà trường đã quyết định thay đổi đồng phục của HS từ kiểu dáng đến màu sắc. Màu quần của nam sinh, váy của nữ sinh trường iSHCOOL Nha Trang là màu xanh ve chai và áo trắng. Để thêm chút điệu đà, trên cổ áo nữ sinh có chiếc nơ, còn nam sinh là chiếc cà vạt cùng màu quần và váy. Tuy nhiên, nhiều PH tỏ ý không hài lòng với bộ đồng phục của con mình. Chị P.T.N.N có con học lớp 12 cho biết, mấy bộ đồng phục cũ con chị mặc vẫn còn vừa, giờ phải bỏ để may đồng phục theo kiểu mới, rất tốn kém và lãng phí vì cháu chỉ còn học một năm nữa là ra trường. Không những thế, nhà trường còn bắt mua đồng phục của trường (đặt may hàng loạt nên giá rẻ hơn), có nhà may đến lấy số đo, nhưng chẳng hiểu sao bộ quần áo của cháu vẫn rộng thùng thình như nhầm số đo của ai. Em N.T.T.A, HS lớp 10 nói: “Do áo may chật quá, một số bạn nữ trong lớp phải mượn cà vạt của bạn trai đeo vào cổ để che bớt phần hở ở nút cài áo”.

Không chỉ gây phức tạp với bộ đồng phục lên lớp, một số trường trung học cơ sở quy định đồng phục thể dục của khối lớp 6 là màu vàng, khối lớp 7 màu xanh… đã tạo nên sự lòe loẹt, không đồng nhất trong nhà trường. Nhiều PH có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đành phải “bấm bụng” mua đồng phục tại trường cho con, trong khi trước năm học mới họ đã xin được mấy bộ đồng phục thể dục cũ của HS lớp trên để lại. Chưa bằng lòng với việc tạo “phong cách riêng” bằng bộ đồng phục, nhiều trường còn làm PH bức xúc hơn khi quy định HS không được mặc áo khoác đến trường, không được mang giày bít, phải đeo dây thắt lưng…

Sự ra đời của đồng phục trong nhà trường không chỉ làm đẹp mà còn trực tiếp góp phần làm cho HS có ý thức hơn về trách nhiệm học tập, giúp các em thêm yêu mến, tự hào về ngôi trường mình đang theo học. Tuy nhiên, việc các trường chạy theo phong trào “đồng phục trường”, “đồng phục khối” đã dẫn tới sự tốn kém, phiền phức cho PHHS và trở thành nỗi lo của các gia đình nghèo vào dịp khai giảng năm học mới. Mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành công văn số 5956/BGDĐT-KHTC đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong công tác quản lý thu, chi. Trong đó, yêu cầu đối với những khoản thu để mua áo quần đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu HS, vở học tập mang tên trường... cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với PHHS; PHHS tự lựa chọn và quyết định hình thức mua thích hợp. Tuy công văn này ban hành hơi trễ so với tình hình thực tế nhưng vẫn rất cần thiết để có một cuộc kiểm tra, chấn chỉnh những trường học sai phạm.

THU HIỀN