12:09, 22/09/2010

Giao thế chủ động cho doanh nghiệp

Trước khi thực hiện sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh theo Nghị định của Chính phủ, toàn tỉnh Khánh Hòa có 7 đơn vị lâm nghiệp với tổng diện tích đất rừng được giao quản lý (tính đến cuối năm 2005) là 192.690ha.

Rung.jpg
Ảnh minh họa
Trước khi thực hiện sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh theo Nghị định của Chính phủ, toàn tỉnh Khánh Hòa có 7 đơn vị lâm nghiệp với tổng diện tích đất rừng được giao quản lý (tính đến cuối năm 2005) là 192.690ha. Sau khi Đề án sắp xếp lâm trường quốc doanh của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được sắp xếp lại thành 2 Công ty lâm nghiệp, 4 Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH), 1 BQL rừng đặc dụng (không có nông trường quốc doanh).

. Phát huy vai trò của các chủ rừng nhà nước

Những đơn vị này gồm: Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương; Công ty Lâm sản Khánh Hòa; BQLRPH Vạn Ninh; BQLRPH Ninh Hòa; BQLRPH Cam Ranh; BQLRPH Khánh Sơn và BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Sau khi sắp xếp, đổi mới, mỗi đơn vị đều phát huy được thế mạnh riêng: các công ty lâm nghiệp tự chủ hoạt động và hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có tích lũy và góp phần ổn định đời sống của cán bộ, công nhân viên; các BQL rừng đã thể hiện đầy đủ vai trò của chủ rừng nhà nước, thực hiện tốt chức năng bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao quản lý. Quá trình sắp xếp và thực hiện nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu đề ra, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; không có vướng mắc trong việc triển khai sắp xếp lâm trường trên địa bàn tỉnh. Tháng 7-2010, có 2 công ty lâm nghiệp đã có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt phương án chuyển sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đó là: Công ty Lâm sản Khánh Hòa đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, vốn điều lệ 45 tỷ đồng; Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương, vốn điều lệ 50,7 tỷ đồng. Từ khi được sắp xếp, đổi mới đến nay, các công ty này vẫn duy trì tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp; nhờ tổ chức được lực lượng khai thác nên chủ động hơn trong khâu khai thác gỗ. Tuy còn ở mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung so với thời điểm sắp xếp, trong 5 năm qua, các công ty hoạt động ổn định và có hiệu quả, có tích lũy và qua đó có điều kiện hỗ trợ các hoạt động khác trong đơn vị. Ngoài ra, các công ty còn chủ động tổ chức sản xuất trên quỹ đất được giao, như: trồng rừng sản xuất, tổ chức chế biến lâm sản và sản xuất hàng mộc… để bổ sung nguồn thu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nhìn chung, các đơn vị đã chủ động hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ phân công, giữ được diện tích rừng được giao quản lý, đồng thời tích cực quan tâm chăm lo đầu tư phát triển vốn rừng, sử dụng rừng đúng chủ trương, đúng mục đích và có hiệu quả. Bên cạnh đó, các BQL rừng cũng đã từng bước ổn định tổ chức, duy trì hoạt động và bằng nguồn vốn ngân sách cấp, chủ động thực hiện tốt chức năng quản lý bảo vệ rừng và đồng thời thực hiện công tác đầu tư lâm sinh, chăm lo phát triển vốn rừng trên diện tích được giao quản lý. Sau sắp xếp, các công ty, các BQL rừng đã hoàn thành việc rà soát lực lượng lao động và xây dựng phương án tổ chức, quản lý, sử dụng lao động theo yêu cầu phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Hiện nay, tổng số lao động trong các đơn vị lâm nghiệp này khoảng hơn 600 cán bộ CNV; trong đó lao động tại 5 BQL rừng khoảng 150 cán bộ, viên chức. 2 công ty lâm nghiệp tuyđã được UBND tỉnh phê duyệt phương án chuyển sang công ty TNHH một thành viên nhưng số lao động vẫn tiếp tục duy trì xấp xỉ 500 cán bộ CNV. Việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của từng loại doanh nghiệp trên lĩnh vực cụ thể và việc xác định rõ nguồn nhân lực, có chính sách thỏa đáng với từng đối tượng lao động của từng đơn vị, v.v. là một trong các yếu tố góp phần tạo thế và lực mới thúc đẩy các đơn vị phát huy tính chủ động để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

. Để không là “bình mới rượu cũ”

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 5 năm thực hiện sắp xếp đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh, nhìn chung công tác tổ chức, chính sách đối với lao động, công tác tài chính tại các đơn vị hầu như không gặp trở ngại, khó khăn. Nhưng riêng về đất đai, lâm nghiệp còn nhiều nội dung còn bất cập, cần phải tiếp tục xem xét. Đó là vẫn còn tình trạng diện tích đất rừng giao cho các đơn vị lâm nghiệp quản lý thực hiện trên sổ sách bản đồ là chính, đất chưa được đo đạc

theo qui định về quản lý đất đai, không có cọc mốc ranh giới ngoài thực địa… Điều này dẫn đến việc các chủ rừng nhà nước gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất rừng được giao. Bên cạnh đó, trong diện tích đất lâm nghiệp giao cho các chủ rừng nhà nước, có một số nương rẫy bỏ hoang do người dân canh tác theo lối du canh để lại, nếu không tác động thì vẫn còn nguyên đất trống, nhưng khi các đơn vị triển khai phát dọn để trồng rừng thì phát sinh hộ dân khiếu kiện đòi lại đất, khiến các đơn vị và chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, việc sắp xếp đổi mới hoạt động của các lâm trường sang công ty lâm nghiệp và hiện nay đang thực hiện chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên chính là để những đơn vị này hoàn toàn tự chủ, góp phần tích cực trong phát triển công nghiệp rừng ở từng địa bàn mà các đơn vị này đứng chân. Đồng thời nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm tốt vai trò nòng cốt trong sản xuất lâm nghiệp, trở thành các trung tâm dịch vụ kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia sản xuất nông-lâm nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc quản lý diện tích rừng, phát triển, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng và đất rừng, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của những đơn vị này mang tính đặc thù nên cần được có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Chính vì vậy, việc sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh mang tính xã hội hóa rất cao, thật sự cần những chuyển biến mạnh mẽ chứ không phải chỉ là hình thức “bình mới rượu cũ”. Do đó, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, ngoài việc nhà nước cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các đơn vị này, đồng thời khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, BQL rừng nhanh chóng ổn định vươn lên thành một lực lượng kinh tế vững mạnh, quản lý hiệu quả tài nguyên rừng quý giá.

HẢI NGUYỆT