12:02, 22/02/2015

Những "cánh én" đón xuân...

Trưa cuối năm, trời lất phất mưa, gió se lạnh. Không gian yên tĩnh của một quán cà phê nhỏ ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm. Khánh Hòa) bỗng ồn ào bởi tiếng nổ giòn tan của mấy chục chiếc Honda 67 chạy tới…

Trưa cuối năm, trời lất phất mưa, gió se lạnh. Không gian yên tĩnh của một quán cà phê nhỏ ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm. Khánh Hòa) bỗng ồn ào bởi tiếng nổ giòn tan của mấy chục chiếc Honda 67 chạy tới…

 

 Chặng nghỉ ngắn trên đường đi.
Chặng nghỉ ngắn trên đường đi.


Bén duyên với “xế”


Nhường các tay lái khác đỗ trước, anh Lê Đình Quốc Dũng lượn một vòng điệu nghệ rồi đưa “xế yêu” về đứng dưới bóng cây. Cười sảng khoái, anh Dũng bảo: Lần nào cưỡi “én” cũng thấy “phê” như lần đầu tiên. Chiếc 67 “đồng nát” này đã được anh mua sau mấy chục năm ấp ủ. Anh vẫn nhớ như in những lần được ba cho ngồi trên bình xăng chiếc 67 màu đen rồi chở đi chơi. Khoảng năm 1985 - 1986, ba anh bán xe làm anh tiếc ngẩn ngơ... 3 năm trước, một anh bạn chào bán chiếc 67 còn khá mới. Lúc này, niềm đam mê Honda 67 chợt bùng lên như thiêu đốt, nhưng vì anh không có tiền mua nên chiếc xe được bán cho người khác. Không cầm lòng được, anh vay mượn tiền và  năn nỉ chủ mới bán xe lại cho anh với giá 14 triệu đồng. “Mình chỉ nói mua xe có 5 triệu đồng, vậy mà vẫn có người nói mình bị khùng! Nhưng kệ, miễn là mình thấy vui!”, anh tâm sự.


Còn anh Phan Gia, trong một lần đi dự đám cưới bạn ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tình cờ thấy trong tiệm cầm đồ có chiếc 67 biển xanh hiếm gặp, anh dò hỏi và thấy rẻ nên mua luôn với giá 4,5 triệu đồng. Chở xe về đến Khánh Hòa, anh mới hoảng vì không biết làm gì với con xe “nhôm nhựa”. Anh mày mò tìm hiểu, nghĩ cách “chữa bệnh”, rồi thuê thợ làm lại bình xăng, nhông, sên, pô, thắng... Đến khi lăn bánh được, tổng chi phí đổ vào xe tới 20 triệu đồng! Nhưng quá trình đầu tư cho chiếc xế già đã làm anh “phải lòng” nó lúc nào chẳng hay. Chơi rồi say, anh bắt đầu lùng tìm, mua từ tiền trăm tới tiền triệu cho một con ốc, chiếc chân chống hay chiếc ghi đông zin. “Bây giờ, chỉ cần được nghe tiếng máy Honda 67, mình đã thấy dễ chịu”, anh tâm sự.

 

Thành viên 67 Khánh Hòa giao lưu cùng thành viên 67 Việt Nam cao tuổi nhất.
Thành viên 67 Khánh Hòa giao lưu cùng thành viên 67 Việt Nam cao tuổi nhất.


Trong khi đó, anh Trần Phát Tài lại “kết duyên” với Honda 67 nhờ một quyết tâm từ hồi còn nhỏ. Lần đó, được cha dạy lái xe, chưa chờ ông chỉ đến nơi đến chốn, anh đã với chân đạp cần số, rồ ga. Chiếc 67 gầm lên, đâm sầm vào tường, hộp số bể, đầu xe tan tành! “Bị ba la, tôi ức quá, tự nhủ nhất định phải mua lại được một chiếc”, anh bảo. Phải mười mấy năm sau, anh mới làm được điều này, khi đổi con chim chào mào lấy chiếc 67 “đắp chiếu” của một anh bạn mê chơi chim. Anh bạn hoan hỉ đồng ý, còn trong lòng anh Tài cũng sướng rơn. Mang xe về cho ba, tự dưng anh lại khao khát có thêm một chiếc nữa. “Bây giờ, tôi đã có riêng một chiếc, cũng tàng thôi, nhưng mỗi lần lượn trên phố, nghe tiếng pô nổ giòn tan là phê!”, anh nói. 

 
Đam mê khó cưỡng

 

Hiện nay, Khánh Hòa có 2 Câu lạc bộ Honda 67 ở Cam Lâm và Cam Ranh với khoảng 60 thành viên; ngoài ra còn có nhiều người chơi lẻ ở Diên Khánh, Nha Trang. Họ thường xuyên trao đổi thông tin về thú chơi xe Honda 67 và gắn kết trong nhiều hoạt động tình nguyện xã hội.

Hiện nay, anh Nguyễn Duy Bằng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Honda 67 Cam Lâm sở hữu 2 chiếc Honda 67 với tổng vốn đầu tư hơn 40 triệu đồng. Anh lắc đầu: Với xe cũ, giá mua có thể không cao, nhưng việc tân trang lại rất vô chừng, nhất là khi người chơi bị “khích tướng”, muốn lên đời xe để không hổ mặt “anh hùng”. Chỉ cho tôi những chiếc xe, anh say mê thuyết trình: Chiếc này dựng lại theo nguyên bản, chiếc kia được lắp thêm túi da, bi-đông nước, chiếc nọ sơn lại mấy lần, chiếc khác có cặp vè đẹp, đèn hậu Chaly...; đó là chưa kể đến việc đầu tư mũ bảo hiểm, quần áo, bao tay, kính mát cho “hợp nhãn”. Chi phí tân trang 20 - 30 triệu đồng là bình thường. Người chơi cũng phải đối đầu với những cơn “nhức đầu, sổ mũi” của “bạn đồng hành” như: hư còi, khói pô, bể hộp số..., nhưng cũng có khi gặp hên. Có lần, anh kiếm được bình xăng từ một hàng ve chai chỉ với giá 400.000 đồng, trong khi trên thị trường, món đồ này có giá đến 2 - 3 triệu đồng. Anh bảo, lần đó vừa mua vừa “toát mồ hôi”, chỉ sợ bà bán ve chai đổi ý hoặc tự dưng xuất hiện tay chơi nào đó tới “quăng” giá khiến bà nghĩ lại... Anh mê Honda 67 đến nỗi vợ anh cũng theo chồng nhập hội!


Anh Nguyễn Phong Phú - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Honda 67 Cam Ranh lại giải thích về lý do chơi xe hết sức giản đơn: “Hồi năm 2007, do ít tiền nên mua xe 67 xài đỡ!”. Nhưng 3 chiếc 67 của anh lại khiến khối tay lái phải nể! Anh nhỏ nhẹ: “Mình vừa mới đi hết vùng Tây Bắc, Tây Nam bộ bằng 67. Đi rồi mới biết, có nhiều thành viên 67 Việt Nam sung sức lắm!”.


Những kết nối


Do mê xe nên các tay lái tìm gặp nhau để trao đổi phụ tùng, đi chơi hoặc đơn giản là nói chuyện về xe cho thỏa. Nhưng không chỉ vậy, họ còn nỗ lực tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng như: tổ chức các chuyến du khảo, tìm hiểu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, một số cơ sở bảo trợ xã hội nhân các dịp lễ, Tết; nhận đỡ đầu, thăm hỏi một số trường hợp bị bệnh nặng, tai nạn, gia đình chính sách... Vừa qua, Câu lạc bộ Honda 67 Cam Lâm liên kết với hội xe Honda 67 các địa phương khác tổ chức chương trình Honda 67 Việt Nam vì biển, đảo quê hương; tuyên truyền, vận động thành viên sống và làm việc theo pháp luật...

 

 Một chuyến đi làm từ thiện ở Cam Lâm.
Một chuyến đi làm từ thiện ở Cam Lâm


Anh Phan Gia tư lự: “Rong ruổi trên chiếc Honda 67 trong các chuyến đi đến những vùng quê nghèo làm từ thiện, tôi mới cảm nhận hết cái thú làm những việc có ích khi cưỡi chiếc xe già còn hơn tuổi đời của mình”. Còn anh Dũng nuôi ước mơ về một ngày không xa sẽ được đặt con ngồi trên bình xăng - nơi anh từng ngồi hồi nhỏ, rồi chở con đi chơi Nha Trang, chỉ cho con những hình ảnh sống động về một thành phố đang đổi thay, cả những hình ảnh thuở thơ ấu mà anh từng thấy từ chỗ ngồi đặc biệt đó...


Chiều tà, những chiếc Honda 67 nổ giòn giã rời “hội quán”. Xuân này, những “cánh én” sẽ lên đường với kế hoạch tặng quà, chúc Tết một số gia đình chính sách, người bệnh nặng; tìm kiếm những địa chỉ mới cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Chúc cho những “cánh én” luôn mang xuân vui đến mọi người.


NGUYỄN VŨ