12:02, 22/02/2015

Chuyện cổ tích ở Đạ Dâng

Tôi may mắn được gặp những người giải cứu và những nhân chứng sống trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cuối năm 2014 và nghe họ kể về thời khắc sinh tử ấy.

Tôi may mắn được gặp những người giải cứu và những nhân chứng sống trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cuối năm 2014 và nghe họ kể về thời khắc sinh tử ấy. Có được niềm hạnh phúc như ngày hôm nay, đằng sau đó là cả sự nỗ lực sáng tạo, vượt khó của những người lính công binh. Các anh đã có cuộc giải cứu thần kỳ như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.



Cuộc giải cứu thần kỳ

 

1
Lính công binh tích cực đào đường thông để cứu các nạn nhân


Kể về những ngày cứu hộ trắng đêm ở Đạ Dâng, Thượng tá Lê Đình Hùng - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 293 nhớ lại: “Ngay trong đêm 17-12-2014, chúng tôi di chuyển từ Cam Ranh lên tỉnh Lâm Đồng. Rạng sáng hôm sau tới nơi, đơn vị được giao nhiệm vụ đào một ngách thông bên trái vị trí hầm bị sập. Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải đó là địa chất nơi đây khá phức tạp, chủ yếu là đất cát nhão, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nước rỉ từ trên xuống lạnh thấu xương; đường đi trong hầm nhỏ hẹp, chỉ 2 người chui vào được... Nhưng bằng kinh nghiệm và phương pháp truyền thống “đào hầm trong cát”, mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa”.

 


Giúp chúng tôi hiểu hơn về phương pháp này, anh Hùng giải thích khá cặn kẽ, vật liệu được chuẩn bị là sắt ống phi 60 có chiều dài khoảng 1,2 đến 1,5m vót nhọn một đầu; dùng búa tạ đóng lên nóc một góc nghiêng từ 15 đến 20 độ để tạo xà đỡ cho nóc hầm. Bộ đội sẽ đào hầm có chiều cao khoảng 1,1m đến 1,2m, chiều rộng 1m. Sau đó, ép gỗ ván trên nóc để chống sụt, đồng thời dùng sắt V63 chốt đỡ 2 góc vuông của nóc hầm. 2 bên vách hầm được gia cố bằng cách ép ván gỗ chống sụt. Sau khi đã định hình được hầm, lực lượng đưa gỗ chuẩn bị sẵn vào dựng khung hầm. Cứ cách từ 50cm đến 70m lại có 1 khung chịu lực để đảm bảo an toàn trong quá trình đào hầm. “Phương pháp này đã được bộ đội áp dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đây là cách làm sáng tạo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Phương pháp này chỉ sử dụng thủ công, dựa vào sức người và công cụ thô sơ như: cuốc, xẻng...” - anh Hùng nói.

 

1
Lính công binh đưa nạn nhân ra khỏi hầm



Theo Trung úy Nguyễn Văn Tiền - Phó Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 32, Lữ đoàn Công binh 293), người đầu tiên tiếp cận các nạn nhân: “Khi đào được khoảng 14m, chúng tôi thấy nước từ trong rỉ ra. Biết chắc là sắp đến đích nên anh em rất quyết tâm, dù ai cũng đã thấm mệt. Chúng tôi tiếp tục đào một đường dẫn chừng 2m, chỉ 2 người chui lọt thì bất ngờ phát hiện một tia sáng từ trên nóc hầm cứu nạn, ánh đèn pin rọi lên thấy rõ cả trần hầm chính. Tôi là người đầu tiên chui qua lỗ thông ấy đi vào đoạn hầm chính bị chia cắt. Sau khi vào, tôi gọi to: “Có ai trong đây không?”. Lúc đầu, không thấy ai trả lời. Tôi liền gọi thêm nhiều lần nữa thì nghe tiếng đáp: “Cứu chúng tôi với!” vang lên. Vào một đoạn nữa, tôi phát hiện nhóm công nhân đang đứng trên xe bơm bê tông, một số người đang bơi về phía tôi. Tôi trấn an họ, sau đó hướng dẫn, đưa mọi người đi về phía cửa hầm cứu nạn để anh em chuyển ra ngoài. Khoảnh khắc cầm được tay nạn nhân đầu tiên và biết đã cứu được mọi người, là điều làm tôi nhớ nhất. Khi ấy, tay, chân đều run lập cập một phần vì lạnh, phần vì quá vui mừng. Niềm vui ấy khó có thể nói thành lời. Đó thực sự là niềm hạnh phúc vô bờ và là kỷ niệm đáng nhớ của đời lính công binh”.

 

1
Ông Phạm Văn Diệm và chị Đặng Thị Hồng Ngọc cùng con trai trong cuộc trùng phùng cảm động với những người lính công binh Lữ đoàn 293.


Khi trò chuyện, anh Hùng bật mí, tuy các nạn nhân được cứu vào lúc 16 giờ 35 phút, nhưng trước đó, vào lúc 15 giờ 55 phút, các anh đã tiếp cận được họ. Do nguyên tắc của quân đội là phải báo cáo chỉ huy cấp cao nhất và chờ lệnh nên mọi việc phải đảm bảo tính bí mật. Trước khi có phương án ứng cứu hoàn chỉnh, anh em không được tiết lộ ra ngoài. Hơn nữa, hàng ngàn người đang ở ngoài chờ đợi, nếu biết tin thì mọi người khó giữ bình tĩnh, sẽ ùa tới và có thể gây cản trở công tác cứu nạn. Phương án giữ bí mật đến phút chót đã làm cuộc giải cứu thêm trọn vẹn.



Gần 26 giờ từ khi triển khai phương án, bằng ý chí, nghị lực, những người lính công binh “chân đồng, vai sắt”, “cơm vắt ngủ hầm” đã làm nên điều thần kỳ - giải cứu thành công tất cả những nạn nhân trong vụ sập hầm. Họ thực sự là những người anh hùng trong thời bình, những anh hùng trong lòng dân.



Bản lĩnh người lính công binh



Chiến công của những người lính công binh cứu nạn trong vụ sập hầm Đạ Dâng ai cũng tỏ; tuy nhiên, khá bất ngờ là những người hùng của Lữ đoàn Công binh 293 lại ở phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh). Tuy còn khá non trẻ, chỉ mới 22 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, nhưng đơn vị đã lập nhiều chiến công vang dội. Đặc biệt, năm 2013, Lữ đoàn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

 

1
Được gặp lại anh Hùng (bìa phải), anh Tiền - những người trực tiếp cứu mình là niềm vui khôn tả của chị Ngọc.



Đại tá Lê Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 293 cho biết, việc cứu nạn thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện ở Đạ Dâng càng chứng tỏ bản lĩnh của những người lính công binh; đồng thời viết tiếp truyền thống “mở đường thắng lợi” của Binh chủng Công binh. Đó là kết quả của cả một quá trình rèn luyện chính quy, bài bản. Những người lính công binh được huấn luyện, rèn luyện, thực hiện các nhiệm vụ tương tự ở những khu vực có địa chất phức tạp như tại Lâm Đồng. Vì vậy, việc giải cứu các nạn nhân được tiến hành một cách chủ động, không bị bất ngờ, đạt hiệu quả cao nhất.



Trùng phùng xúc động



Trở lại Lữ đoàn Công binh 293 vào những ngày cuối năm, tôi thực sự xúc động khi chứng kiến cuộc gặp giữa nạn nhân của vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng và những ân nhân của họ. Vừa xuống xe, chị Đặng Thị Hồng Ngọc, người phụ nữ duy nhất trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng đã lao tới ôm chầm lấy những người đã cứu mình, đôi mắt ngấn lệ. Những cái siết tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm tình người được trao cho nhau. Câu chuyện của họ cứ bị ngắt quãng liên tục, bởi thỉnh thoảng, chị Ngọc lại nấc lên nghẹn ngào. Sau giây phút xúc động ấy là những tiếng cười của niềm vui, hạnh phúc trùng phùng.

 

1
Ông Diệm và chị Ngọc chụp hình lưu niệm với cán bộ Lữ đoàn Công binh 293.


“Chỉ còn ít ngày nữa là em sẽ về Nghệ An ăn Tết, không tranh thủ thì biết khi mô mới được gặp các anh. Nếu không có các anh thì có lẽ giờ này em đã không còn đứng ở đây” - Ngọc chia sẻ. Rồi chị kể cho tôi nghe về 82 giờ sống dưới lòng đất, phải đối mặt với sự sống và cái chết. “Đúng lúc tuyệt vọng nhất, tất cả đã buông xuôi và nghĩ tới cái chết thì các anh công binh như những vị thần trong truyện cổ tích xuất hiện để cứu giúp chúng em. Cả đời này em không quên ơn các anh ấy!”, chị nhớ lại.



Chuyến thăm lần này, ngoài chị Ngọc còn có ông Phạm Văn Diệm - bố chồng chị và cậu con trai 4 tuổi Phạm Viết An. Bồng con trên tay, chị Ngọc đi nép bên người cha đã gần bước sang tuổi thất thập. Chúng tôi thấy ở họ một niềm tin yêu, hạnh phúc. Mái tóc đã pha sương bởi sự tần tảo hôm sớm, nhưng giọng vẫn sang sảng, ông nói với tôi: “Các anh ấy đã sinh ra con tôi lần nữa! Đã có lúc tôi nghĩ không thể gặp được con. Tin sập hầm báo về, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa. Bà nhà tôi ngất lên ngất xuống. Hàng xóm, người thân quen kéo đến nhà đông kín để hỏi thăm tình hình. 3 ngày trôi qua, mọi người đã hết hy vọng; tôi đã nghĩ tới những điều xấu nhất... Năm nay, chắc chắn gia đình đón Tết sẽ to hơn mọi năm, vì con tôi về đông đủ. Thoát được kiếp nạn này còn gì vui bằng”.



12 người bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng là 12 số phận nhưng đều có một cái kết có hậu, cái kết của một câu chuyện cổ tích. Phía sau câu chuyện ấy là nỗ lực, sẻ chia của những người lính bộ đội Cụ Hồ.

 

THÀNH NAM