18:14, 10/02/2024

Ðể Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế của cả nước

VĂN KỲ

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2050 trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước. Trong năm 2023, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực triển khai quy hoạch, thu hút đầu tư để từng bước hiện thực hóa mục tiêu mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra.

4 hành lang và 3 vùng động lực

Theo quy hoạch được duyệt, trong những năm tới, Khánh Hòa sẽ hình thành 4 hành lang kinh tế, kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, hành lang kinh tế Bắc - Nam là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối 3 vùng động lực phát triển, gồm: Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như: cảng biển, cảng hàng không… Hành lang kinh tế Đông - Tây được hình thành trên cơ sở trục giao thông Đông - Tây, bao gồm: Quốc lộ 26, Quốc lộ 26B và đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ kết nối khu vực phát triển đô thị, các trung tâm dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp ven biển với khu vực nội địa của tỉnh; đồng thời kết nối khu vực Nha Trang - Vân Phong với tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, còn có liên tuyến Ninh Thuận - Khánh Hòa - Lâm Đồng và tuyến Tà Gụ (huyện Khánh Sơn) - Yang Bay (huyện Khánh Vĩnh) đã được Quốc hội thông qua, sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các vùng động lực và hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch phân khu. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện chỉ số quản trị địa phương để tăng năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, trở thành trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước. Để đạt được mục tiêu đề ra, Khánh Hòa phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào những ngành quan trọng; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, phải tập trung phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và đô thị Cam Lâm để tạo động lực phát triển mới.

Hành lang kinh tế Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh được hình thành trên cơ sở Quốc lộ 27C và đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) đang nghiên cứu đề xuất Trung ương xem xét, sẽ giúp tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ TP. Nha Trang, kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và sẽ hình thành các khu vực đô thị. Hành lang kinh tế Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn hình thành trên cơ sở Tỉnh lộ 9, giúp kết nối, lan tỏa phát triển từ khu vực ven biển, đồng bằng với trọng tâm là TP. Cam Ranh và đô thị mới Cam Lâm với khu vực miền núi Khánh Sơn; kết nối về du lịch biển, đảo với du lịch sinh thái núi, rừng, văn hóa; kết nối giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

Bên cạnh 4 hành lang kinh tế, Khánh Hòa cũng đã xác định 3 vùng động lực để tập trung thu hút đầu tư, vươn tầm trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước. Đối với khu vực vịnh Vân Phong, tỉnh sẽ phát triển Khu Kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, là động lực phát triển của Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Trong đó, khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ. Đối với vùng động lực Nha Trang, đây sẽ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh. Đối với vùng động lực Cam Ranh, tỉnh sẽ phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; phát triển TP. Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Ngay từ đầu năm 2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong đã làm việc với hàng loạt tập đoàn, công ty quan tâm đề xuất đầu tư các dự án vào Khu Kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua tiếp xúc, ban quản lý đã nắm bắt nhu cầu của các nhà đầu tư để nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch phân khu các khu chức năng tại Khu Kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, để tỉnh kịp thời vận dụng và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, góp phần thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 diễn ra ngày 2-4-2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với tổng vốn đăng ký 85.293 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng số vốn đăng ký 31.253 tỷ đồng.

Một góc TP. Nha Trang. Ảnh: Vương  Mạnh  Cường

Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong đang nỗ lực triển khai lập 19 quy hoạch phân khu trong khu kinh tế để kịp hoàn thành tiến độ vào cuối năm 2024. Tại khu vực Nam Vân Phong, một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đã và đang triển khai. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, như: Tập đoàn Sun Group, Công ty Flamingo Holding, Công ty Cổ phần SSI, Công ty Cổ phần Dầu khí Phương Đông, Công ty Cổ phần Shinec, Công ty Cổ phần Tân cảng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Tổng Công ty Sonadezi, Tổng Công ty Becamex, VISHIP... UBND tỉnh đã lên kế hoạch để lựa chọn nhà đầu tư vào 2 dự án trọng điểm và 9 dự án lớn tại Khu Kinh tế Vân Phong. Đồng thời, nỗ lực triển khai các khu tái định cư tại khu vực Bắc Vân Phong để đáp ứng nhu cầu tái định cư khi các dự án triển khai.

VĂN KỲ