16:32, 10/02/2024

Đường lớn mở ra không gian lớn

TRƯỜNG SƠN

Những ngày cuối cùng của năm cũ, 30-12-2023, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thông xe kỹ thuật, sẽ đưa vào khai thác từ ngày 30-3-2024. Như vậy, trong năm mới Giáp Thìn, xe cộ có thể bon bon một mạch từ thành phố biển Nha Trang đến TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ cao tốc qua các tuyến Nha Trang - Cam Lâm - Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây - Long Thành - TP. Hồ Chí Minh, mất chừng 5 giờ đi đường.

Mở ra không gian phát triển

Cùng với cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột đang khởi công để nối với Tây Nguyên thì Nha Trang (Khánh Hòa nói chung) đang có một hệ thống giao thông hoàn hảo với đường bộ, cao tốc, đường sắt, hàng không, hàng hải đi qua. Đây là cơ hội phát triển kinh tế - xã hội mà không phải địa phương nào cũng có được.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, các tuyến đường cao tốc và đường nội tỉnh được hình thành sẽ là bước tiến quan trọng, hiện thực hóa Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó hệ thống giao thông vận tải đồng bộ hiện đại, là cơ sở để Khánh Hòa phát huy vai trò trung tâm kinh tế biển, là trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Qua đó, cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hòa nói riêng và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.

Từ ngày đoạn đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác, ông Nguyễn Thanh Mỹ (55 tuổi), tài xế xe tải tuyến Phú Yên - TP. Hồ Chí Minh ít chọn đi Quốc lộ 1. Ông Mỹ cho biết: “Từ Phú Yên, tôi đi qua hầm đèo Cả, có trả phí. Đến Nha Trang thì vào cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, 49km. Đường mới, chưa thu phí. Rồi ra Quốc lộ 1, chạy hơn 100km là tới Vĩnh Hảo. Từ đây, tôi vào cao tốc, đi thẳng một hơi Phan Thiết - Dầu Giây - Long Thành và vào cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh xuống hàng. Rất nhanh gọn, an toàn, đường tốt”.

Ông Mỹ nói gần 30 năm làm nghề, đây là giai đoạn ông thấy thoải mái nhất vì đường sá êm thuận hơn trước nhiều. Suốt cả tuyến cao tốc mới này, ông chỉ phải trả phí cho đoạn Dầu Giây - Long Thành - TP. Hồ Chí Minh, còn các đoạn khác vẫn chưa thu phí, trong khi chạy Quốc lộ 1 đường xấu, xe đông, lại bị thu phí.

Những người hành nghề lái xe như ông Mỹ đang chờ đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đưa vào vận hành. Khi đó, từ Nha Trang, giới tài xế có thể chạy một mạch vào TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ cao tốc. “Dĩ nhiên, mức phí sau này Nhà nước thu sẽ làm giới tài xế cân nhắc. Tuy nhiên, có những chuyến hàng cần đi nhanh thì cao tốc là lựa chọn số 1, nhanh hơn 3 - 4 giờ, lại ít hao xăng, xe bớt hư máy”, ông Mỹ nói.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78km, có 2 cầu cao trên 47m  và hầm núi Vung dài 2,2km, sẽ khánh thành vào tháng 4-2024,  nối thông toàn bộ cao tốc từ Nha Trang đi TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Đặng Đại
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78km, có 2 cầu cao trên 47m và hầm núi Vung dài 2,2km, sẽ khánh thành vào tháng 4-2024, nối thông toàn bộ cao tốc từ Nha Trang đi TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Đặng Đại

Đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49km, điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 27C, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 27B, nối với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo ở xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, do Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư và thi công. Sơn Hải cũng là thành viên thi công đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang (dài 83km, nối với Nha Trang - Cam Lâm, (khởi công ngày 1-1-2023, điểm đầu đấu nối với phía nam đường hầm Cổ Mã) huyện Vạn Ninh). Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10-2025.

Sau đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng được khởi công ngày 18-6-2023, điểm đầu tại đoạn Quốc lộ 26B giao với Quốc lộ 1 ở Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa. Tuyến này dài 117km, đoạn qua Khánh Hòa dài gần 33km. Tại lễ khởi công, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhận định: Đây sẽ là cửa ngõ huyết mạch, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Trong đó, Khánh Hòa có vai trò như bà đỡ, hàng hóa từ Tây Nguyên xuống có thể đi muôn nơi qua cảng Nam Vân Phong hoặc trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, hoặc đường sắt… Đây cũng là cửa ngõ quan trọng nhất để Tây Nguyên kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung.

Nắm bắt cơ hội 

Ông Trần Lệnh Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây dựng 194, chủ đầu tư đường bộ cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết: "Các nhà đầu tư dù gặp khó khăn rất nhiều trong thi công giai đoạn 2021 - 2023 do dịch bệnh Covid-19, vật giá leo thangnhưng đều hiểu được sự bức bách cần có đường bộ cao tốc nối từ TP. Hồ Chí Minh đến thành phố biển Nha Trang nên chúng tôi huy động toàn lực làm ngày làm đêm để kịp đưa con đường vào khai thác đúng tiến độ là ngày 30-3-2024".

Là người gắn bó với đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm từ khi khởi công đến khánh thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhìn nhận: Cả nước hiện có 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 654km. Trong đó, có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Nha Trang - Cam Lâm là 1 trong 3 dự án PPP đó. Theo ông Thọ, việc Quốc hội, Chính phủ tin tưởng và quyết liệt ủng hộ đoạn dự án này làm theo phương thức PPP và lựa chọn được nhà đầu tư, được ngân hàng tài trợ vốn thực hiện cho thấy là lựa chọn đúng. “Điều đó có ý nghĩa quan trọng, là minh chứng về sự thành công chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia ngày càng hoàn thiện”, ông Thọ nói.

Về phía nhà đầu tư, ban đầu cũng rất băn khoăn về việc đoạn cao tốc này nằm song song với Quốc lộ 1, việc đầu tư theo phương thức PPP rất dễ bị chia tải, khó thu hồi vốn. Tuy nhiên, nhìn nhận được tiềm lực của tỉnh Khánh Hòa và trong tương lai, lượng hàng hóa từ Tây Nguyên đổ về miền duyên hải nên đã mạnh dạn đầu tư. “Nha Trang có cảng biển, có đường sắt, đường hàng không nhưng giai đoạn 10 - 20 năm tới, đường bộ vẫn là chủ lực”, các nhà đầu tư nhận định.

4 dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh gồm: Vân Phong - Nha Trang, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài gần 330km, qua địa bàn tỉnh khoảng hơn 170km; 4 dự án có tổng mức đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. Ngoài đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã đưa vào khai thác, 3 dự án còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027.

Tại buổi khánh thành các đoạn đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: Đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sau này nối với Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ giúp Khánh Hòa nối liền mạch với TP. Hồ Chí Minh, nối với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, mở ra không gian phát triển và cơ hội liên kết vùng, giảm tải cho Quốc lộ 1 và đảm bảo an toàn giao thông.

Theo Thủ tướng, việc của các tỉnh hiện nay, trong đó có Khánh Hòa là phải có quy hoạch, kế hoạch để nắm bắt cơ hội. Con đường chỉ giúp hàng hóa lưu thông nhanh, đi lại an toàn, còn cơ hội tăng tốc phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Chất lượng nguồn nhân lực, chính sách công, chế độ ưu đãi đầu tư, thu hút nguồn vốn và cơ sở hạ tầng hành chính, chính trị, văn hóa… Điều đó phụ thuộc vào năng lực, tầm nhìn của lãnh đạo các địa phương.

TRƯỜNG SƠN