11:08, 27/08/2018

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

8 tháng năm 2018, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn tỉnh Khánh Hòa giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là từ tháng 6 trở đi, số ca mắc mới sốt xuất huyết hàng tuần liên tục tăng.

 

8 tháng năm 2018, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên toàn tỉnh Khánh Hòa giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là từ tháng 6 trở đi, số ca mắc mới SXH hàng tuần liên tục tăng.


Số ca mắc mới hàng tuần không ổn định


Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 1 ca tử vong; tỷ lệ mắc/100.000 dân toàn tỉnh là 103 ca. 2 địa phương có số ca mắc cao, dịch diễn biến phức tạp là TP. Nha Trang (hơn 680 ca) và huyện Diên Khánh (330 ca), cao gấp nhiều lần so với các địa phương khác.

 

Theo nhận định của ngành Y tế, dịch SXH trên địa bàn tỉnh đang bước vào những tháng cao điểm và diễn biến khá phức tạp. Nếu từ tháng 1 đến tháng 4, dịch có xu hướng giảm với số ca mắc mới dao động từ 13 đến 50 ca/tuần, thì đến tháng 5, 6 bắt đầu tăng và tăng nhanh vào tháng 7, 8 với số ca mắc mới tăng từ 50 lên đến 82 ca/tuần. Mặc dù số ca mắc hiện nay thấp hơn mức trung bình 5 năm, SXH vẫn đang được khống chế, tuy nhiên điều đáng lo ngại là số ca mắc mới hàng tuần có dấu hiệu tăng, giảm không ổn định. Nếu tuần 31 toàn tỉnh ghi nhận 75 ca, sang tuần 32 số ca mắc mới tăng lên đến 94 ca, tuần 33 giảm xuống còn 82 ca.


Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, công tác chống dịch đã được các huyện, thị xã, thành phố triển khai thường xuyên liên tục ngay từ đầu năm, thông qua các hoạt động diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động, xử lý ổ dịch, tuyên truyền, đặc biệt là ở những địa phương trọng điểm có số ca mắc cao như: Nha Trang, Diên Khánh, Vạn Ninh. Ngoài ra, trong tháng 5, ngành Y tế phối hợp với đoàn thanh niên các cấp ra quân diệt lăng quăng trên toàn tỉnh…  Mặc dù các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, kết quả điều tra của trung tâm về các chỉ số véc tơ vào tháng 7 tại các địa phương luôn cao. Điều này cho thấy công tác xử lý véc tơ ở nhiều nơi chưa đạt hiệu quả bền vững.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra lăng quăng  ở một hộ dân tại huyện Diên Khánh.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra lăng quăng ở một hộ dân tại huyện Diên Khánh.

 

Công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả chưa cao

 

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Khánh Hòa là tỉnh trọng điểm về SXH trong cả nước. Số ca mắc trên 100.000 dân luôn thuộc nhóm cao, chỉ sau các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Hiện nay, số ca mắc SXH của tỉnh chỉ đứng sau Đà Nẵng. Dự báo số ca mắc trong tháng 8 đến tháng 10 tiếp tục cao đạt đỉnh khoảng 500 - 600 ca/tháng, sau đó giảm dần vào cuối năm. Các huyện, thị xã đang có nguy cơ cao bùng phát dịch là: TP. Nha Trang, các huyện: Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh.

Mới đây, tại cuộc họp đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế tổ chức, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến công tác phòng, chống dịch SXH chưa đạt hiệu quả. Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết, ở một số địa phương, công tác xử lý ổ dịch SXH còn chậm, dẫn tới ổ dịch kéo dài. Kỹ năng giám sát, điều tra, định loại véc tơ của cán bộ làm công tác côn trùng của một số đội y tế dự phòng chưa đạt yêu cầu, gây khó cho việc đưa ra các nhận định, xử lý dịch kịp thời, chính xác. Theo báo cáo kết quả giám sát côn trùng hàng tháng tại xã điểm của đội y tế dự phòng một số huyện thì chỉ số muỗi bằng “không”, tuy nhiên kết quả điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lại có muỗi, chỉ số vượt so với ngưỡng quy định, có nơi cao gần gấp đôi. Khó khăn trong việc thuê nhân công, không có đội phun chuyên nghiệp dẫn tới việc phun hóa chất một số nơi chưa hiệu quả. Sự tham gia của các tổ chức đoàn thể ở một số địa phương chưa nhiệt tình… Cùng với đó, ở một số xã đảo, vùng thiếu nước, tập quán tích trữ nước để sử dụng của người dân tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Một số nơi, người dân không đồng ý để đội phun hóa chất vào nhà phun, đóng cửa khi xe phun đi qua… “Hiện nay, ở TP. Nha Trang, hầu hết các công trình xây dựng đều có các vũng nước đọng là nơi dễ phát sinh ổ lăng quăng, gây nguy cơ bùng phát dịch SXH. Tuy nhiên, ở một số công trình, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận để xử lý lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, thậm chí có nhiều nơi họ không cho vào. Ngoài ra, khi có dịch xảy ra, việc cán bộ y tế đến từng nhà diệt lăng quăng, cùng với phun hóa chất diệt muỗi vô tình làm cho người dân nhầm tưởng rằng công việc diệt lăng quăng là của cán bộ y tế, điều này dẫn tới tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân”, ông Lê Đức Lương - Đội trưởng Đội Y tế dự phòng TP. Nha Trang nói.


Để hạn chế dịch SXH gia tăng trong thời gian tới, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh hoạt động diệt lăng quăng kết hợp với phun hóa chất chủ động, tuyên truyền đến từng hộ. Ngoài ra, trong tháng 9, ngành Y tế sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là đoàn viên, thanh niên ra quân diệt lăng quăng trên toàn tỉnh...


T.Ly