06:10, 14/10/2016

Hãy tích cực phòng, chống bệnh tăng huyết áp

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam có gần 13 triệu người tăng huyết áp. Tuy nhiên, chỉ hơn 50% số người mắc bệnh được phát hiện và 50% trong số phát hiện được điều trị, quản lý.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam có gần 13 triệu người tăng huyết áp. Tuy nhiên, chỉ hơn 50% số người mắc bệnh được phát hiện và 50% trong số phát hiện được điều trị, quản lý.


Tăng huyết áp là trạng thái máu lưu thông với áp lực tăng liên tục. Một người được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Đây là một căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên thế giới, với những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não và các bệnh tim mạch khác.

 

Đo huyết áp tại Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh.
Đo huyết áp tại Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh.


Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: choáng váng, nhức đầu; mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; đỏ mặt, buồn nôn. Điều cần chú ý, phần lớn người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng, vì vậy không biết mình bị bệnh tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp tiến triển âm thầm và gây ra nhiều biến chứng như: suy tim, thúc đẩy và gây ra xơ vữa động mạch (dẫn tới tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim…), tăng nguy cơ đột quỵ, có thể làm tổn thương thận, mắt. Chính vì thế, tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.


Khoảng 90 - 95% các trường hợp tăng huyết áp không tìm thấy nguyên nhân nhưng có một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh. Có 2 loại yếu tố nguy cơ, loại có thể điều chỉnh được và loại không thể điều chỉnh được. Yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được bao gồm thừa cân và béo phì. Người có chỉ số khối cơ thể  ≥ 23; ăn nhiều muối; hút thuốc lá; uống rượu thường xuyên; thiếu vận động; cuộc sống tĩnh tại hoặc có nhiều căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới huyết áp. Các yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được gồm: chủng tộc, tuổi và yếu tố di truyền.


Có dưới 10% số người bị tăng huyết áp tìm thấy nguyên nhân gây bệnh, các bệnh nhân này được gọi là tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp có căn nguyên). Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp như: bệnh lý về thận (viêm cầu thận, sỏi thận, hẹp động mạch thận…); bệnh nội tiết (cường tuyến giáp, cường tuyến yên, u vỏ hoặc tủy thượng thận…); bệnh lý mạch máu và tim (hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ); hoặc tình trạng nhiễm độc thai nghén ở phụ nữ mang thai.


Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh. Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả và duy trì huyết áp ở mức lý tưởng 120/80mmHg, người dân cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Hạn chế lạm dụng uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc. Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp bằng cách tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; tránh bị lạnh đột ngột. Người bị bệnh tăng huyết áp cần được khám sàng lọc, phát hiện sớm; cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc để giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng và để duy trì mức huyết áp hợp lý.


Các biểu hiện cảnh báo bệnh lý tim mạch cần cấp cứu bao gồm: đau thắt ngực, các biểu hiện ngừng tuần hoàn, đột quỵ… Trong đó, đau thắt ngực là bệnh nhân đau ngực dữ dội, cảm giác bị bóp nghẹt trong lồng ngực, vị trí cơn đau thường ở phía sau xương ức, đau lan lên vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc lan ra sau lưng… Đây là biểu hiện nghi ngờ bệnh nhồi máu cơ tim. Khi gặp người bệnh có biểu hiện triệu chứng như trên, cần gọi người giúp đỡ, đồng thời gọi cấp cứu 115 để được xử trí ban đầu và đưa người bệnh tới bệnh viện. Đối với các dấu hiệu đột quỵ, người bệnh đột ngột tê hoặc yếu nửa người (một bên tay chân), ngất hoặc hôn mê, mất hoặc rối loạn khả năng nói, rối loạn thị giác, đột ngột mất thăng bằng và phối hợp các động tác, đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân… cần đưa người bệnh tới ngay bệnh viện gần nhất.


BSCKII. TÔN THẤT TOÀN
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)