10:07, 24/07/2016

Phòng, chống bệnh bạch hầu

Tuy Khánh Hòa không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào từ đầu năm đến nay, nhưng trước diễn biến của dịch bệnh này tại tỉnh Bình Phước, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu trên toàn tỉnh.

Tuy Khánh Hòa không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào từ đầu năm đến nay, nhưng trước diễn biến của dịch bệnh này tại tỉnh Bình Phước, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu trên toàn tỉnh.


Triển khai công tác phòng, chống 

 
Ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay khi có thông tin về diễn biến dịch bệnh bạch hầu ở tỉnh Bình Phước, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm dịch bệnh để điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

 

Tiêm chủng cho trẻ là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu
Tiêm chủng cho trẻ là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu

 

Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh: Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp; tổn thương đầu tiên do bệnh bạch hầu gây ra là ở hầu họng, thanh quản, mũi là màng giả, cũng có thể xuất hiện màng giả ở mắt, da, bộ phận sinh dục. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ mắc cao ở trẻ em từ 1 đến 7 tuổi.

Theo đó, sở chỉ đạo Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng; lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và các đối tượng nguy cơ; phối hợp với các bệnh viện (BV) và các TTYT tổ chức tập huấn phác đồ chẩn đoán, điều trị cho y, bác sĩ và điều dưỡng; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, trong đó chú trọng công tác tiêm chủng. Đối với các BV phải tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, thuốc, dịch truyền để điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp mắc và tử vong do bệnh bạch hầu. Các TTYT chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi cơ bản và mũi nhắc lại, tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.  Ngoài ra, các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh đến người dân.


“Chuẩn bị đến năm học mới, Sở Y tế đang đề nghị ngành Giáo dục chỉ đạo các đơn vị của ngành tăng cường theo dõi sức khỏe trẻ em ở các trường mầm non, tiểu học và THCS; thường xuyên vệ sinh nhà trẻ, lớp học, thực hiện cách ly kịp thời và thông báo cho đơn vị y tế gần nhất khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu”, ông Thoan cho biết.


Thực hiện tốt công tác tiêm phòng


Theo lãnh đạo TTYT dự phòng tỉnh, tại Khánh Hòa, 3 loại vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1980. Những năm đầu, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng 3 mũi trên đạt khoảng 80 - 90%, đến năm 2000 tăng lên 95%. Hiện nay, bình quân hàng năm có khoảng 20.000 trẻ được tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Nhờ tỷ lệ tiêm chủng đạt cao, từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 ca mắc vào năm 2012.  

 

Lịch tiêm chủng bạch hầu cho trẻ: khi trẻ 2 tháng tuổi tiêm mũi 1. Mũi thứ 2 khi trẻ 3 tháng tuổi. Mũi thứ 3 khi trẻ 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại mũi thứ 4 khi trẻ 18 tháng tuổi.

Ông Huỳnh Trọng Tân - Thư ký chương trình Tiêm chủng mở rộng tỉnh cho biết: “Tuy tỷ lệ tiêm chủng đạt cao, nhưng khả năng lây lan trong cộng đồng vẫn có thể xảy ra. Vì với một thời gian kéo dài, tỷ lệ tích lũy số người không được tiêm chủng bệnh bạch hầu tăng cũng tạo nên một lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng. Do đó, người dân không nên chủ quan, nhất là hiện nay khi dịch bệnh bạch hầu đang có chiều hướng quay trở lại ở các tỉnh miền Nam. Dịch bệnh này có thể chủ động phòng ngừa được bằng cách đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ”.


Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, mới đây, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.


THẢO LY