10:11, 02/11/2015

Vai trò của I-ốt đối với sức khỏe con người

I-ốt là nguyên liệu để tuyến giáp tổng hợp thành hormon gọi là hormon giáp. Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng vì nó có nhiều chức năng, nếu rối loạn có thể ảnh hưởng đến mạng sống của con người. Tác dụng của nó thông qua hormone chính là thyroxin.

I-ốt là nguyên liệu để tuyến giáp tổng hợp thành hormon gọi là hormon giáp. Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng vì nó có nhiều chức năng, nếu rối loạn có thể ảnh hưởng đến mạng sống của con người. Tác dụng của nó thông qua hormone chính là thyroxin.


Hormon tuyến giáp có chức năng như sau:


- Tăng tổng hợp protein giúp cơ nở to, rắn chắc.


- Hormone tuyến giáp kích thích tất cả các yếu tố liên quan đến trao đổi carbohydrate, bao gồm tăng khả năng chuyển glucose từ ngoài vào trong tế bào, tăng dự trữ glycogen ở gan và cơ, tăng tổng hợp glucose từ các nguồn thực phẩm.


- Hormone tuyến giáp tham gia quá trình trao đổi (huy động, tổng hợp) chất béo (lipid) nên nếu huy động quá mức sẽ làm acid béo trong máu cao. Tuy nhiên, nếu hormone tuyến giáp tăng (trong cường giáp) thì nồng độ cholesterol, triglyceride, phospholipids trong máu lại giảm. Nếu suy tuyến giáp thì mỡ trong máu tăng lên đến mức tăng dự trữ mỡ trong gan (gan nhiễm mỡ).


- Hormone tuyến giáp làm tăng quá trình trao đổi vật chất ở hầu hết các tế bào trong cơ thể nên nếu thiếu hormone thì trao đổi chất trở nên trì trệ.


- Hormone tuyến giáp làm tăng tổng hợp protein trong đó có enzyme, nên khi thiếu hormone thì chuyển hóa vật chất sẽ rối loạn.


- Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể rất rõ thông qua chuyển hóa cơ bản. Cường giáp chuyển hóa cơ bản tăng, tiêu hao năng lượng nhiều nên thể trọng giảm. Ngược lại suy tuyến giáp làm tăng thể trọng.


- Trên tim: hormone tuyến giáp làm tăng cường nhịp tim thông qua việc kích thích hệ thống thần kinh tim. Vì thế, cường giáp tim đập nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, suy giáp tim đập chậm.


- Trên hô hấp: hormone tuyến giáp tăng sẽ làm nhịp thở tăng.


- Trên hệ tiêu hóa: hormone tuyến giáp làm tăng cảm giác thèm ăn, tăng tiết dịch tiêu hóa và cường giáp còn tăng nhu động ruột dẫn đến tiêu chảy. Nếu suy tuyến giáp thì bị táo bón.


- Trên thần kinh trung ương: hormone tuyến giáp làm tăng cường sự nhạy cảm của các neuron thần kinh. Tuy nhiên, nếu cường giáp thì gây bồn chồn, mất ngủ, suy tuyến giáp sẽ đần độn.


- Trên cơ: hormone tuyến giáp làm tăng cường hoạt động của cơ. Nếu cường giáp thì protein của cơ bị phân hủy khiến cơ teo lại, có hiện tượng run cơ; suy giáp thì cơ yếu, uể oải.


- Trên các tuyến nội tiết: hệ nội tiết của chúng ta điều hành theo một trục từ não bộ trở xuống. Nếu tuyến giáp có trục trặc lập tức ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.


Tóm lại, thiếu I-ốt có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình phát triển của mỗi người, ở mỗi giai đoạn nó có tác động khác nhau. Thiếu hụt I-ốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.


Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu
(Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh)