09:07, 29/07/2014

Ung thư phổi - biết sớm trị lành

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, bệnh ung thư phổi là mối lo ngại lớn nhất cho cộng đồng ở thế kỷ 21. Tại Việt Nam, các trường hợp ung thư phổi phát hiện phần nhiều đã ở giai đoạn muộn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, bệnh ung thư phổi là mối lo ngại lớn nhất cho cộng đồng ở thế kỷ 21. Tại Việt Nam, các trường hợp ung thư phổi phát hiện phần nhiều đã ở giai đoạn muộn.


Tại Mỹ, hàng năm có khoảng 150.000 trường hợp ung thư phổi mới phát hiện. Tại Việt Nam, theo thống kê của Ủy ban Phòng, chống Ung thư quốc gia, ung thư phổi chiếm vị trí hàng đầu, nam giới nhiều gấp 4 lần so với nữ giới. Mỗi năm, trung bình có 40/100.000 người mắc mới bệnh ung thư phổi. Đa số các trường hợp được phát hiện ở giai đoạn muộn, chỉ có khoảng 10 - 20% các trường hợp được phát hiện ở giai đoạn có khả năng phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư.


Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở hệ thống phế quản - phổi, là nguyên nhân tử vong ung thư cao nhất trên thế giới. Một số người thường gọi ung thư phổi là ung thư phế quản hay cuống phổi vì căn bệnh xuất phát từ mặt trong của cuống phổi nhỏ. Nó xuất hiện như một hạt xơ cứng, ung thư dần dần lan đến các cuống phổi khác rồi xâm lấn đến vùng gọi là rốn phổi. Ung thư phổi khi di căn thường tới xương, gan, tuyến thượng thận và não.

 

Khám bệnh tại khoa Nội - Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm.
Khám bệnh tại khoa Nội - Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm.


Ban đầu, triệu chứng ung thư phổi rất mập mờ, do đó dễ bị bỏ qua hoặc lầm lẫn với bệnh khác. Khi bệnh tiến triển hơn, có thể có các triệu chứng nặng ngực, thở thấy nằng nặng. Người bệnh có những cơn ho húng hắng và dai dẳng, lâu ngày càng xấu hơn, đau vai, đau lưng thường xuyên, hơi thở ngắn đi, khàn tiếng, ho ra máu, phù mặt cổ, khó thở. Người bệnh sụt cân, không có cảm giác thèm ăn, hay mệt mỏi là những triệu chứng báo động. Đối với phương diện lâm sàng, khi bệnh nhân có hút thuốc, trên 40 tuổi có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào đều phải nghĩ đến ung thư phổi, đặc biệt khi người bệnh ho ra máu, đau ngực không đáp ứng điều trị giảm đau.


Chẩn đoán ung thư phổi: Chụp phim X-quang phổi, trên phim thấy khối ung thư rất rõ, có trường hợp rất to. Các xét nghiệm khác như: chụp CT (cắt lớp điện toán), MRI (cộng hưởng từ) giúp xem rõ bệnh hơn. Nếu có nghi ngờ, người bệnh được tiến hành chẩn đoán mô học qua việc lấy mẫu (sinh thiết) mô u nguyên phát hoặc những tổn thương di căn. Người bệnh sẽ được làm sinh thiết bằng kim nhỏ đâm xuyên qua thành ngực lấy một chút mô bướu trong phổi. Sinh thiết có thể được thực hiện nhiều tầng: u nguyên phát, phế quản thùy, phế quản gốc để đánh giá chính xác độ lan rộng của bướu. Nếu không phát hiện tổn thương, có thể thực hiện xét nghiệm nội soi phế quản, dùng ống soi mềm đưa vào cuống phổi để xem và sinh thiết. Các xét nghiệm này được thực hiện dưới hướng dẫn của X-quang hoặc CT.


Giai đoạn của ung thư được căn cứ dựa trên mức độ lan rộng của bệnh, kích thước khối u. Ở các giai đoạn I, II và III A, bệnh điều trị cho nhiều kết quả khả quan. Giai đoạn III B và IV, ung thư đã có di căn, hiệu quả điều trị bệnh đạt thấp. Phương pháp điều trị phẫu thuật sẽ sử dụng cho những trường hợp ung thư còn nhỏ, ung thư ở một bên lồng ngực. Người bệnh sẽ được cắt thùy phổi, cắt bỏ hoàn toàn khối bướu. Nếu trường hợp bướu lớn, có thể cắt hai thùy hoặc cắt hết một lá phổi. Thực tế hiện nay, do phát hiện ung thư phổi trễ nên tỷ lệ mổ chỉ thực hiện được 25%. Khi không còn mổ được, người bệnh sẽ được điều trị xạ trị và hóa trị với mục đích giảm đau, bớt ho. Hóa trị giúp kéo dài thời gian sống. Hóa trị cũng được dùng hỗ trợ cho những bệnh nhân sau mổ, gia tăng tác dụng diệt bướu của điều trị xạ trị. Việc điều trị hóa trị kết hợp xạ trị còn giúp teo bớt khối bướu, bớt chảy máu và làm thông thoáng đường thở.


Hiện nay, có các loại thuốc nhắm trúng đích diệt tế bào ung thư đang được đưa vào sử dụng điều trị ung thư phổi như: Cetuximab (Erbitux), Enlotirib (Tarceva), Gefitinib (Iressa)... Những thuốc này được ứng dụng để điều trị đối với u nguyên phát tại chỗ và các tổn thương ung thư di căn. Kết quả điều trị ung thư phổi đối với những trường hợp người bệnh đến sớm có khả năng khỏi bệnh được 5 năm chiếm gần 50%; còn khi ung thư đã di căn, lan tràn sang các cơ quan khác, tỷ lệ sống giảm xuống, chỉ còn chưa đến 5%.


Nguyên nhân của bệnh ung thư phổi được xác định là do hút thuốc lá. 90% những người hút thuốc lá trên 2 gói/ngày có nguy cơ chết vì ung thư phổi gấp 30 lần so với người không hút. Khói thuốc lá làm đột biến gen các tế bào bên trong cuống phổi. Ngoài ra, người không hút thuốc lá nhưng thường tiếp xúc với khói thuốc lá (còn gọi là hút thuốc lá thụ động) có nguy cơ ung thư phổi từ 20 đến 50%.


Vì vậy, việc tiến tới bỏ thuốc lá, xây dựng môi trường lành mạnh không có khói thuốc lá sẽ làm giảm những tổn thương tiền ung thư và giảm dần nguy cơ gây ra ung thư phổi. Biện pháp tối ưu để phòng, chống ung thư phổi là không hút thuốc lá, ăn uống dinh dưỡng hợp lý, giữ cân nặng cơ thể phù hợp và thường xuyên tập thể dục 30 phút/ngày.


BS. Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)