01:11, 16/11/2013

Ăn uống hợp lý khi bị đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh nội tiết do cơ thể thiếu hoặc không có nội tiết tố insulin. Chế độ ăn kiêng giữ một vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh đái tháo đường. Điều này giúp cho đường máu, mỡ máu ở mức bình thường, không bị tăng quá mức, từ đó giảm xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa và làm giảm biến chứng của đái tháo đường.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh nội tiết do cơ thể thiếu hoặc không có nội tiết tố insulin. Chế độ ăn kiêng giữ một vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh ĐTĐ. Điều này giúp cho đường máu, mỡ máu ở mức bình thường, không bị tăng quá mức, từ đó giảm xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa và làm giảm biến chứng của ĐTĐ. Chế độ ăn của người ĐTĐ giúp duy trì cân nặng hợp lý nhưng phải cung cấp đủ các nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi, tình trạng sinh lý, lao động, bệnh tật, không làm tăng đường máu nhiều sau ăn, không làm hạ đường máu nhiều xa bữa ăn; đồng thời không làm tăng rối loạn mỡ máu, cao huyết áp, suy thận..


Thức ăn liên quan nhiều đến bệnh ĐTĐ. Thức ăn có glucid làm tăng nhiều đường huyết sau ăn, thức ăn có nhiều lipid dễ gây xơ vữa động mạch cho người ĐTĐ. Vì vậy, người bệnh ĐTĐ cần ăn hạn chế glucid và lipid, nhất là acid béo bão hòa như mỡ, nội tạng động vật... Tuy nhiên, vẫn phải ăn đầy đủ số lượng, thành phần của bữa ăn bao gồm glucid, đạm, lipid, khoáng chất... đảm bảo đủ năng lượng để sống, làm việc. Chế độ ăn được điều chỉnh theo từng bệnh nhân và theo mục tiêu điều trị của bác sĩ. Chế độ ăn cần đáp ứng nhu cầu năng lượng, phụ thuộc nhiều yếu tố như người béo hay gầy, lao động thể lực hay không, có biến chứng hay không... Nhìn chung, người có thể trạng trung bình sẽ cần 35 - 40 - 45kcal/ngày tùy thuộc lao động nhẹ, trung bình hay nặng. Nhu cầu năng lượng thay đổi nếu gầy hay mập, khi đó thì một ngày tăng thêm hay bớt đi 5kcal/kg.


Tỉ lệ các loại thức ăn, chế độ ăn phải đảm bảo đầy đủ các thành phần cần thiết cho cơ thể, trong đó glucid chiếm 40 - 50% lượng calo chung của khẩu phần, protid chiếm 15 - 20%, lipid 30 - 35%. Thực phẩm cung cấp glucid: Bánh mì 40g, gạo 25g, mì sợi 30g, khoai tây 100g, khoai mì tươi 60g, đậu 40g, 1 trái cam vừa, 1 trái chuối vừa, 1 trái táo, 100g nho, 1 trái thơm, 1 trái xoài vừa đều tương đương 20g glucid. Thực phẩm cung cấp protid: 100g thịt nạc tương đương 15 - 18g protid. Thực phẩm cung cấp lipid: 100g dầu ăn tương đương 90 - 100g lipid. Đối với thức ăn chứa tinh bột: Nên ăn những loại không có phụ gia như cơm, bánh mì đen, khoai tây, khoai sọ... Chọn những loại có chỉ số đường huyết thấp để giảm lượng đường đưa vào nếu ăn cùng một lượng. Ví dụ bún có chỉ số đường huyết chỉ bằng 1/2 của cơm... Sử dụng thường xuyên các loại ngũ cốc thô, chà xát ít vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Đối với chất đạm: Hạn chế tối đa thịt hộp, xúc xích, pate... thay vào đó ăn nhiều cá, đậu, đạm thực vật. Người bệnh có thể ăn các loại thịt bò, thịt heo đã lấy sạch mỡ; tránh tuyệt đối ăn da gà, da vịt vì chứa nhiều cholesterol. Nên chọn cách chế biến luộc, kho, nướng hơn là chiên. Đối với chất béo: Nên ăn dưới 300mg/ngày. Trong đó, lượng mỡ động vật bão hòa chỉ chiếm ≤10%, còn lại là các chất béo không no trong dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè, dầu oliu. Một ngày người bệnh ĐTĐ nên ăn khoảng 400 - 500g rau và trái cây tươi, vừa có tác dụng chống lão hóa, vừa bổ sung vitamin, muối  khoáng tốt nhất. Các chất xơ là thành phần quan trọng chống táo bón, khi vào trong dạ dày kéo dài thời gian lưu trữ thức ăn, thời gian hấp thu glucose tại ống tiêu hóa, làm chậm hấp thu đường, hạn chế tăng đường, tăng cholesterol, triglyceride sau bữa ăn. Chất xơ tan trong nước thường có trong các sản phẩm làm giảm cân như pectin, glucomanan, Beta glucan, cám yến mạch...


Chất tạo vị ngọt có năng lượng: Đường sucrose là loại tạo vị ngọt chính trong bữa ăn hàng ngày, được sản xuất từ mía, củ cải đường... Bệnh nhân ĐTĐ cần tránh, hạn chế dùng loại này vì hấp thu ở ruột nhanh hơn tinh bột, gây tăng đường huyết nhanh và cao sau khi ăn. Đường fructose (đường hoa quả): Đây là đường đơn duy nhất ở trạng thái tự do trong tự nhiên, hấp thu chậm hơn so với tinh bột, không làm tăng nhanh đường huyết sau ăn. Chất tạo vị ngọt nhân tạo: Saccharin, cyclamate, aspatam... không cung cấp năng lượng hay ít, không đáng kể, có thể dùng với lượng vừa phải. Rượu ức chế tân tạo đường, do đó dễ bị hạ đường huyết, nhất là khi bệnh nhân không ăn. Mặt khác, rượu có thể tương tác với thuốc hạ đường huyết gây nhức đầu, ói mửa, giãn mạch hoặc làm lu mờ triệu chứng hạ đường huyết. Do đó, người bệnh cần hạn chế rượu, nhất là khi đói. Muối ăn: Không dùng quá 6g/ngày.


Người bệnh cần biết lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết (chỉ số GI- Glucose index) thấp. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp làm tăng đường máu thấp và từ từ sau ăn. Phân bố bữa ăn, giờ ăn cần phù hợp với thuốc hạ đường huyết đang sử dụng. Chế độ điều trị sẽ thất bại nếu giờ ăn của người bệnh không tuân thủ giờ uống thuốc, tiêm insulin. Cần tính giờ ăn để thời điểm lượng glucose máu tăng cao sau bữa ăn phù hợp với thời điểm insulin có tác dụng mạnh nhất. Điều này giúp tránh tai biến hạ đường huyết xa bữa ăn, rất nguy hiểm nhất là về ban đêm.


Bác sĩ Chuyên khoa I NGUYỄN THỊ HOÀNG ANH